Trong thời gian ngắn, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông làm nhiều người thương vong. Điều đáng nói, các vụ tai nạn này đều do “ma men” cầm lái.
Sáng 5/2, ô tô mang biển kiểm soát 68E-010.11 do tài xế Phạm Văn Nhân (52 tuổi, trú tại xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, Kiên Giang) điều khiển, lưu thông theo hướng phường Dương Đông về xã Cửa Cạn.
Khi ra khỏi ngã ba vào ấp Ông Lang (Cửa Dương), ô tô đi không đúng phần đường đã đâm vào 3 xe máy. Hậu quả làm 2 người tử vong và 4 người khác bị thương.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại TP Phú Quốc, Kiên Giang.
Qua kiểm tra nồng độ cồn với tài xế Phạm Văn Nhân, người này vi phạm ở mức 0,516mg/L khí thở. Đây là mức vi phạm nồng độ cồn rất cao, gấp 1,3 lần mức cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.
Trước đó, chiều 24/1, tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 1 người. Theo đó, khoảng 15h30 chiều, ông Nguyễn Viết Hùng (56 tuổi) điều khiển ô tô mang biển số 47A- 357.08 đi trên đường liên thôn xã Ea Kpam. Đến đoạn thôn Tân Lập, xe bất ngờ tông thẳng vào nhà của ông B.Đ.P., ông P. đang ngồi trong phòng khách bị xe lao vào tử vong.
Ô tô do tài xế Nguyễn Viết Hùng điều khiển lao thẳng vào nhà dân.
Sau khi gây ra tai nạn, tài xế Hùng được cơ quan chức năng xác định vi phạm nồng độ cồn 0,77 mg/L khí thở. Mức vi phạm này cao gấp 1,9 lần mức vi phạm “kịch khung”.
Cũng vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, tài xế Nguyễn Đức Thanh (42 tuổi, trú tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã gây tai nạn làm 2 người thương vong.
Cụ thể, khoảng 16h ngày 22/1, tài xế Thanh điều khiển ô tô mang biển số 99A-357.06 lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo (Đại Phúc, TP Bắc Ninh). Người này sau đó buồn ngủ, không chú ý quan sát nên đã đâm vào xe máy do anh L. (SN 2000, trú tại Lào Cai) cầm lái, trên xe chở theo chị H. (SN 1998, trú tại Bắc Kạn).
Sau khi gây tai nạn, tài xế Thanh xuống xe quan sát thấy chị H. nằm sấp trên đường, liền điều khiển ô tô rời khỏi hiện trường và về nhà tại Bắc Ninh. Vụ tai nạn khiến một người tử vong và một người bị thương.
Tài xế Nguyễn Đức Thanh bị Công an TP Bắc Ninh đưa về trụ sở.
7 tiếng sau, cơ quan chức năng kiểm tra nồng độ cồn với tài xế Thanh, người này vi phạm ở mức 0,341 mg/l khí thở.
Cách đó 2 ngày, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ tai nạn có liên quan đến tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao khiến nhiều người bị thương. Cụ thể, hồi 15h30 ngày 20/1, tại đường Ngọc Hồi (Thanh Trì), tài xế Trần Minh Đức (36 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) điều khiển ô tô mang biển số 29A-324.49 đã đâm vào 6 xe máy. Vụ tai nạn khiến 8 người bị thương được đi cấp cứu tại bệnh viện.
Hiện trường vụ tai nạn tại Ngọc Hồi
Lực lượng CSGT xác định, tài xế Đức vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,404 mg/L khí thở.
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), từ 15/12/2021 đến 15/12/2022, cả nước xảy ra 350 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do rượu bia, làm chết 214 người, bị thương 268 người.
Theo đại diện Cục CSGT, việc tài xế sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, đây là nguồn nguyên nhân của hàng loạt vi phạm khác.
“Người điều khiển phương tiện khi say xỉn sẽ không kiểm soát được hành vi, kéo theo nhiều vi phạm khác là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường…”, vị đại diện Cục CSGT cho biết.
Đại diện Cục CSGT cũng cho rằng, để giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia, lực lượng CSGT rất cần sự đồng lòng, ủng hộ từ người dân.
“Đầu tiên là người điều khiển phương tiện, mỗi người nâng cao ý thức, đã uống rượu bia thì không lái xe là góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Sau đó, là những người thân đi cùng xe, nếu thấy người lái đã sử dụng rượu bia thì cần ngăn cản, đó cũng là chung tay cùng xã hội”, đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Nguồn: vietnamnet