Đã có những cái chết thương tâm, lắm kiểu thiệt hại đã xảy ra cho trẻ em khi chúng đang ở yên trong nhà, khi đang học trực tuyến. Phải chăng người lớn chưa lưu tâm đúng mức đến việc tạo cho trẻ một góc học tập an toàn?
Học sinh Khánh Giang, lớp 10 Trường THPT Marie Curie, học online
Trăm kiểu thiệt hại
Cách nay mấy hôm lại thêm một vụ trẻ tử vong khi đang học trực tuyến, điện thoại nổ và em qua đời vì bỏng nặng khi áo quần cháy. Cũng không có người lớn cứu giúp em. Còn đang xác minh thêm nguyên nhân phát cháy nhưng có thể thấy nơi em học không đủ an toàn.
Dạo một vòng câu chuyện từ những gia đình có con trẻ đang học online sẽ thấy không ít kiểu rủi ro khi trẻ học không có sự giám sát của người lớn. Trẻ có trăm kiểu nghịch ngợm phá hỏng máy tính, điện thoại hoặc nếm trải cảm giác tê tê khi chạm tay chân vào nguồn điện quanh bàn học. Trẻ vừa ôm máy tính bảng vừa mê say múa, máy rơi bể nát. Đang giờ học, trẻ cầm compa, bút bi, kéo, thước chọt vào bất cứ chỗ nào thuận tay và thích mắt. Hư đồ, có khi tốn cả chục triệu đồng mà con mình không sao đã hú hồn, hú vía rồi!
Khi người lớn buộc phải làm việc ở nhà và trẻ con học trực tuyến vì đại dịch thì nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử tăng vọt. Nhưng liệu có bao nhiêu người lớn tự nâng cấp kiến thức về việc sử dụng trang thiết bị nhằm phục vụ cho việc họp và học trực tuyến này? Có bao nhiêu người biết và tuân thủ nguyên tắc “đang sạc thì không dùng, đang dùng thì không sạc” điện thoại? Các trường có lưu tâm đúng mức khi đưa ra các giải pháp về thời lượng học của trẻ lẫn thiết bị sử dụng để học?
Rất nhiều ý kiến về việc học trực tuyến thế nào cho hiệu quả, các nỗ lực hỗ trợ thiết bị để học online cho trẻ em nghèo, vùng xa nhưng có lưu ý nào về vấn đề của việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ học online chưa? Tôi nghĩ nhiều về một điều vừa được biết.
Ở Tây Ninh, có một ngôi trường chuyên biệt (dạy trẻ khuyết tật), ngày 13-9 cả học sinh lẫn phụ huynh và nhất là giáo viên căng thẳng vì lựa chọn học trực tuyến. Và nhiều giáo viên phải dạy buổi tối vì khi ấy phụ huynh mới ở nhà để giúp con có thể học. Nghĩ thêm từ chuyện này, trẻ bình thường có thể không cần phụ huynh ngồi kề bên hỗ trợ nhưng cùng tham gia để có thể vừa giúp con học, vừa giảm thiểu các rủi ro là việc trẻ nào cũng cần khi trẻ hay táy máy tay chân và nghịch phá mọi vật xung quanh.
Phụ huynh chưa làm hết trách nhiệm?
Không gian học ở nhà lắm khi không an toàn bằng ở lớp. Những vật sắc nhọn, dễ cháy, dễ vỡ, hóa chất các kiểu vẫn xung quanh nơi trẻ học. Đồ đạc sửa nhà như kìm, búa, đinh… được đặt lên tủ nơi gác gỗ nhưng ông bố có thói hay quên, làm đâu bỏ đó cũng khiến người lớn trong nhà thót tim khi trẻ cầm vào. Muốn dạy trẻ về sự an toàn, người lớn phải học và làm mọi việc trong an toàn cho trẻ học theo. Các loại thiết bị sử dụng điện lẫn đường dây điện có thể rò rỉ điện hay sự quá tải cần được kiểm tra, sửa chữa kịp thời. Cái này không chỉ vì an toàn phòng chống cháy nổ mà trước tiên vì an toàn của trẻ con đang ở nhà cả ngày.
Nhìn ra xung quanh, tôi thấy nhiều bậc phụ huynh có thói quen làm thay con cái mọi thứ từ chuyện dọn đồ chơi, tắm rửa, ăn uống… nhưng quên dạy cho trẻ biết an nguy. Với sự hiện đại và tiện dụng của công nghệ số, nhiều gia đình trang bị thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại thông minh cho con cái, kể cả khi chúng còn nhỏ xíu. Trẻ ôm máy càng lâu, rủi ro càng lớn với trẻ. Giao máy cho con cần để mắt đến việc trẻ dùng máy có an toàn không.
Sau những thương tâm thiệt hại vừa qua, người ta dễ dàng nghĩ do học online, tai nạn khi học online. Đâu phải hoàn toàn vì thế! Nghĩ cho cùng do người lớn chưa làm hết trách nhiệm giữ an toàn cho con.
Người lớn vẫn nghĩ chủ quan rằng mọi thứ vẫn ổn, mình dùng tốt thì con cũng chẳng gặp vấn đề gì! Chẳng may có sự cố xảy ra, rút kinh nghiệm cũng muộn màng. Khi giao máy cho con trước giờ học, phụ huynh có kiểm tra pin còn hay hết, ổ cắm sạc an toàn không? Và xung quanh đã đủ an toàn cho con?
Nguồn: tuoitre.vn