Bữa ăn học đường đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phát triển thể lực, trí lực, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Bữa ăn học đường tại TP.HCM đã được kiểm soát chất lượng như thế nào?
Phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) giám sát suất ăn học đường và cùng ăn trưa với con tại trường
Sau lo ngại của một số phụ huynh ở các quận trung tâm TP.HCM về việc trong thời bão giá như hiện nay, mỗi bữa ăn trưa với giá 35.000 đồng/suất sẽ khiến các học sinh, nhất là học sinh bậc THPT – THCS, cơm không đủ no, dinh dưỡng không đủ theo yêu cầu, phóng viên Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận tình hình giám sát chất lượng bữa ăn học đường.
Mời phụ huynh ăn cùng con
Tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, việc giám sát chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh từ khoảng 10 năm nay đã thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt và chủ động. Do bếp ăn tại trường, các đầu bếp tại trường đều được tập huấn về cách chế biến đủ chất, đủ lượng.
Nguồn thực phẩm để chế biến bữa ăn cho học sinh đều chọn từ những nhà cung cấp uy tín, đảm bảo kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung tâm Y tế quận 1 và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1.
Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thực hiện kiểm soát dinh dưỡng bữa ăn theo độ tuổi và theo yêu cầu của thực đơn chuẩn theo dự án Bữa ăn học đường được thực hiện từ năm 2016 bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Dinh dưỡng quốc gia và Công ty Ajinomoto.
“Nhà trường chủ động các công tác giám sát bữa ăn bán trú. Ngoài ra, chúng tôi mời phụ huynh vào ăn cơm cùng con để phụ huynh có trải nghiệm về bữa ăn bán trú. Bất cứ phụ huynh nào cũng có thể đăng ký ăn trưa cùng các con. Muốn vậy, phụ huynh chỉ cần đăng ký với cô bảo mẫu của lớp, cô sẽ ghi nhận và đăng ký lại với bếp ăn.
Cũng như các hoạt động học tập, trường cũng khuyến khích phụ huynh ít nhất nên ăn với con mỗi tháng một lần để cùng nhà trường giám sát chất lượng bữa ăn cho học sinh” – cô Đỗ Ngọc Chi, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Chưa thực hiện được việc mời phụ huynh vào ăn trưa cùng con, Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình) đặt ra quy định ngoài việc tuân thủ thực đơn chuẩn theo yêu cầu về dinh dưỡng, trường kiểm soát chất lượng bữa ăn bán trú bằng cách định kỳ mỗi năm 3 – 4 lần để ban đại diện cha mẹ học sinh trường vào kiểm tra bếp ăn, thực phẩm, chất lượng bữa ăn. Trường cũng cho phép phụ huynh được kiểm tra đột xuất bữa ăn học đường.
“Các trường hợp đột xuất mà phụ huynh muốn kiểm tra vệ sinh, chất lượng bữa ăn trường đều mời phụ huynh vào. Trường công khai bữa ăn học đường” – lãnh đạo của Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn thông tin.
Ban giám hiệu ăn trưa cùng học sinh
Không như Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn có bếp ăn tại trường nên quy trình kiểm soát, giám sát chất lượng bữa ăn dễ hơn, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có quy trình kiểm soát chất lượng bữa ăn phức tạp hơn.
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có đến 2.800 học sinh ăn bán trú với hai cơ sở tại quận 1 và TP Thủ Đức. Hiện trường thực hiện bữa ăn bán trú thông qua đơn vị cung ứng suất ăn công nghiệp.
Bộ phận quản lý bán trú của trường sẽ lên thực đơn theo yêu cầu và cân bằng dinh dưỡng theo bộ thực đơn chuẩn. Sau đó, thực đơn này được chuyển cho công ty cung ứng suất ăn. Để kiểm soát bữa ăn, ban giám hiệu nhà trường hằng ngày đều ăn bữa ăn bán trú với học sinh.
“Chúng tôi ăn bữa ăn bán trú với học sinh hằng ngày và có sổ ghi nhận hằng ngày nhằm kiểm soát chất lượng bữa ăn” – ông Phạm Thanh Yên, phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nói.
Chưa dừng lại ở đó, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, để kiểm soát nguồn thực phẩm, mỗi học kỳ trường định kỳ tổ chức 2 – 3 lần với sự tham gia của ban giám hiệu, ban đại diện cha mẹ học sinh trường tới công ty, bếp ăn cung ứng thực phẩm để kiểm tra.
“Cha mẹ học sinh sẽ kiểm tra quy trình lựa chọn thực phẩm, nguồn thực phẩm, cách chế biến, quy trình nấu nướng chế biến. Cái gì được, cái gì chưa được ngay trong đợt kiểm tra đó sẽ yêu cầu phía công ty cung ứng thức ăn điều chỉnh ngay. Dựa trên những đánh giá đó, năm sau nhà trường sẽ lấy ý kiến của ban đại diện cha mẹ học sinh của trường để xem xét việc có tiếp tục ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với đơn vị này nữa hay không” – ông Phạm Thanh Yên thông tin thêm.
Chất lượng bữa ăn học đường liên quan đến việc phát triển thể chất, tinh thần, trí lực của trẻ. Chúng ta đã thực hiện bữa ăn chuẩn theo thực đơn dinh dưỡng được thông qua nhưng công việc này thực hiện vẫn tùy thuộc vào các trường.Vì thế, để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh theo đúng độ tuổi, cấp học, đảm bảo thực hiện bữa ăn bán trú mà phụ huynh yên tâm, tôi cho rằng ngành giáo dục và chính quyền cần có ban giám sát chất lượng bữa ăn bán trú, trong đó phải kiểm tra chuẩn dinh dưỡng theo định kỳ.
TP.HCM tập huấn bữa ăn học đường
Ngày 26-10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết từ tháng 10 đến tháng 12-2023, sở này sẽ tập huấn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em và học sinh đến các cơ sở giáo dục trên toàn TP.
Theo đó, nội dung tập huấn sẽ xoay quanh các vấn đề: thông tin chung về bữa ăn học đường và hoạt động thể lực; hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường; cách sử dụng phần mềm và cách xây dựng thực đơn hợp lý cho học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; hướng dẫn tổ chức tăng cường các hoạt động thể lực tại trường học; vai trò của các cơ quan, đơn vị, nhà trường và gia đình trong tổ chức bữa ăn học đường và tăng cường hoạt động thể lực tại trường học…
Nguồn: tuoitre.vn