Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) – cho biết, tại Bình Phước, 70% – 80% số nhà máy chế biến hạt điều ngừng hoạt động. Đa số các nhà máy chế biến hạt điều đóng cửa chủ yếu là các DN, cơ sở nhỏ lẻ “mạnh ai nấy làm”, không có một sự liên kết hay sáp nhập nên khó cạnh tranh trên thị trường.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới – Ảnh: PV
Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết, tại Long An đã có 12/33 doanh nghiệp (DN) chế biến hạt điều đóng cửa sản xuất. Ở thủ phủ ngành điều Việt Nam là Bình Phước, số nhà máy chế biến hạt điều ngừng hoạt động lên tới 70%-80%. Một số địa phương khác, hàng loạt nhà máy chế biến hạt điều cũng rơi vào tình cảnh chung.
Có nhiều nguyên nhân khiến hàng loạt nhà máy chế biến hạt điều phải đóng cửa. Theo đại diện VINACAS, hiện đã có một số nhà máy đóng cửa tạm ngừng vì thiếu nguyên liệu chế biến điều nhân xuất khẩu. Trong khi đó, hiện giá điều nhân xuất khẩu đã giảm xuống chỉ còn 4 – 4,15 USD/LBS, giảm 20% so cùng kỳ năm ngoái. Vinacas cho rằng, đây là mức giá đã chạm đáy.
Thêm vào đó, theo Vinacas, Việt Nam hiện có trên 450 DN xuất khẩu điều, và hơn 1.000 cơ sở, DN nhỏ lẻ chế biến điều. Ngành điều hiện nay còn có sự tham gia của rất nhiều thành phần kinh tế (tư nhân, nhà nước, đầu tư nước ngoài…), từ lĩnh vực, ngành hàng khác như cà phê, hồ tiêu, lúa gạo,… chuyển qua kinh doanh hạt điều.
Điều đáng nói là những nhà máy chế biến hạt điều đóng cửa chủ yếu là các DN, cơ sở nhỏ lẻ. Chỉ còn những DN lớn đang hoạt động nhưng công suất cũng không lớn vì nguyên liệu không còn nhiều.
“Các DN, cơ sở nhỏ lẻ này mạnh ai nấy làm, không có một sự liên kết hay sáp nhập nên hoàn toàn không thể cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ, mặc dù họ chỉ có khoảng vài chục DN xuất khẩu điều”- ông Nguyễn Đức Thanh cho biết.
Ông Lê Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) – cũng thừa nhận, hiện nay có quá nhiều DN tham gia xuất khẩu điều, số lượng DN xuất khẩu tăng lên sau mỗi năm. Số DN đạt kim ngạch xuất khẩu dưới 5 triệu USD/năm là 80%. Nhiều DN không có cơ sở chế biến, chỉ mua gom để xuất khẩu, do đó chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều, thấp và với số lượng không đáng kể nhưng lại cạnh tranh về giá, làm thiệt hại cho ngành điều nói chung.
Mặc dù xuất khẩu hạt điều trong tháng 5.2018 tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp, đạt 35 nghìn tấn nhưng tình hình kinh doanh của các DN chế biến lại kém khả quan. Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Vinacas- cho biết, trong chuỗi giá trị ngành điều toàn cầu, nông dân và DN chế biến bỏ ra nhiều chi phí, công sức nhất nhưng chỉ được hưởng khoảng 30%-35% lợi nhuận, còn lại rơi vào các nhà rang chiên, nhà thương mại trên thế giới.
“Đây là sự bất bình đẳng rất lớn trong kinh doanh nhưng rất khó thay đổi khi sản xuất tại Việt Nam vẫn còn manh mún, dễ bị đối thủ ép giá ngay trên sân nhà” – ông Thanh nhận xét.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hạt điều trong tháng 5.2018 tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp, đạt 35 nghìn tấn, trị giá 330 triệu USD tăng 8,8% về lượng và tăng 6,4% về trị giá so với tháng 4.2018, tăng 0,6% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với tháng 5.2017. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt điều đạt 141 nghìn tấn, trị giá 1,396 tỉ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 25,3% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2017.
XK nhiều là vậy nhưng DN lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Có một nghịch lý là Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 hơn 3,6 tỉ USD nhưng thu nhập của người nông dân chưa cao, nông dân chưa thể làm giàu từ ngành này
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sắp tới, bộ sẽ tập trung vào tái cơ cấu ngành, không tăng diện tích sản xuất, giữ nguyên 300 ngàn ha trồng điều như hiện nay và đẩy nhanh các giải pháp tăng năng suất lên gấp đôi, thậm chí gấp 3; tập trung phát triển cho từng tiểu vùng, từng loại giống phù hợp với địa phương để tăng năng suất và chất lượng. Ngành cũng sẽ tập trung phát triển chế biến sâu, lựa chọn những DN có năng lực để đầu tư phát triển.
“Đặc biệt, phải tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Tương ứng, DN phải liên kết chặt chẽ với nông dân từ khâu tổ chức, đặt hàng sản xuất đến khâu tiêu thụ. Phát triển thị trường trong nước vì thị trường này còn nhiều tiềm năng từ người dân đến khách du lịch.
Tháng 5.2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng điều ước đạt 9.429 USD/tấn, giảm 2,2% so với tháng 4.2018 và giảm 5,3% so với tháng 5.2017. Trong 5 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt điều đạt khoảng 9.867 USD/tấn, tăng 3,2% so với 5 tháng đầu năm 2017. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 5.2018 giá điều nguyên liệu trên thị trường trong nước diễn biến trái chiều. Tại Bình Phước, giá điều tươi giảm 800 đ/kg xuống còn 22.000 đ/kg; trong khi đó điều khô tăng 600 đ/kg lên mức 47.000 đ/kg. Tại Đồng Nai, giá hạt điều khô tăng 300 đ/kg lên 49.000 đ/kg. Giá điều nhân tại Bình Phước ổn định, với điều nhân loại W240 ở mức 285.000 đ/kg; điều nhân loại W320 ở mức 275.000 đ/kg. |
Theo: Báo Lao động