Ngày 13/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Phát biểu tại đây, các đại biểu tập trung phân tích những vấn đề liên quan đến kê khai tài sản của cán bộ, công chức.

>> “Có quan chức nào có 4-5 nhà mà đứng tên mình đâu!”

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn, vẫn có nhóm đối tượng chưa được đưa vào dự thảo luật. “Có những cô gái mới chỉ 19 tuổi đã có biệt phủ xây trên đất hàng ngàn mét vuông, có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên vài ngàn mét vuông. Người dân bình thường cũng biết rằng tài sản đó từ đâu mà có”, đại biểu Trí nêu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho ý kiến xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho ý kiến xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, luật hiện hành và dự thảo chỉ quy định con chưa thành niên (dưới 18) tuổi mới phải kê khai tài sản, thu nhập. Song trên thực tế, nhiều trường hợp báo chí phản ánh nhưng không làm được gì vì con quan chức trong độ tuổi thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) không phải kê khai tài sản thu nhập. Do vậy ông Trí cho rằng, không có luật nên thua về lý.

Vì vậy, theo ông Trí, ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung để khắc phục. Ví dụ, khi thấy dư luận, báo chí vào cuộc về khối tài sản khủng nghi tham nhũng thì có thể yêu cầu con quan chức ở tuổi thành niên cũng phải kê khai tài sản.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Ủy ban Quốc phòng An ninh thì đề nghị, Ban soạn thảo xem lại phần đối tượng kê khai tài sản. Trong dự thảo hiện mới quy định cán bộ công chức, không có viên chức.

“Giờ sửa luật thế nào để cho cán bộ công chức, viên chức coi kê khai tài sản là nghĩa vụ thường xuyên và làm sao người ta phải phấn khởi, thích thú khi kê khai tài sản”, đại biểu Đức nêu.

Dẫn lại đánh giá của Chính phủ sau hơn 10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, hiệu quả phòng chống tham nhũng chưa cao, phát hiện tham nhũng còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục những kẽ hở của luật, đại biểu tỉnh Bạc Liêu đề xuất 3 giải pháp, trong đó tập trung vào kê khai tài sản. Riêng đối tượng kê khai, ông Hạ đề xuất bổ sung thêm những người từng giữ các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao đã nghỉ hưu và những người ruột thịt cũng phải chứng minh nguồn gốc tài sản.

“Thực tế hiện nay, hầu hết các tài sản tham nhũng được cất giấu, gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố mẹ, anh chị em, con cháu ruột thịt đứng tên, đến khi về hưu được gom lại, hợp thức hoá”, đại biểu phân tích.

Để dễ hình dung, đại biểu Hạ nêu tình huống, có ông bố nghèo ở quê nhưng có 2 con làm quan lớn. Trước khi từ trần, ông bố mời luật sư và gọi 2 con đến, thông báo để cho mỗi con 500 cây vàng.

“Các con rất ngạc nhiên hỏi bố tại sao nghèo thế mà lại có khoản tiền to như vậy. Ông bố nói, làm gì có cây vàng nào, chỉ để phòng các con phát sinh tài sản thì khi kê khai có nguồn gốc rõ ràng”, đại biểu Hạ nói.

Theo ông Hạ, để giám sát tài sản kê khai nên niêm yết tài sản lên các trang điện tử, để dân giám sát là hiệu quả nhất, vì không cơ quan có thẩm quyền kiểm soát nào có đủ người, đủ chuyên môn, đủ khả năng để theo dõi, xác minh được hết tất cả.

Theo Dân Trí

Từ khóa : chống tham nhũngcô gái 19 tuổiđại biểu quốc hộiKê khai tài sảnnguyễn anh tríQuốc hội thảo luậntài sản khủngtỉnh Bạc Liêu

Các tin liên quan đến bài viết