Một thời gian cao su được ví như “vàng trắng” nên được mở rộng dần ra phía Bắc. Các tỉnh miền Trung, rồi cả Tây Bắc trồng ào ạt. Vài năm nay, cây cao su gặp khó khiến nhiều hệ lụy phát sinh.

Cao su vỡ mộng: Vàng trắng... mất trắng - Ảnh 1.

Vườn cao su của hộ bà Trần Thị Thu Nga (huyện Bắc Trà My) đến kỳ thu hoạch nhưng gia đình bỏ bê vì chẳng ai mua mủ – Ảnh: B.D.

Giá mủ cao su xuống thấp, nhiều nơi xảy ra tranh chấp với dân, cây cao su dễ đổ gãy, trồng ở nhiều vùng đất mới năng suất không cao… là những lý do khiến nhiều người trồng cao su khó khăn, thậm chí gần như mất trắng.

Bão là gãy đổ la liệt

Đi qua những vườn cao su nằm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (nhánh đông đi qua huyện Bố Trạch, Quảng Bình), nhiều tháng đầu năm vẫn có thể thấy các dấu tích của bão.

Chỉ trong vài năm, hai cơn bão lớn là bão số 10 năm 2013 và bão số 10 năm 2017 đã quét qua khiến hàng trăm ngàn cây cao su đang tuổi thu hoạch bị gãy, bật gốc. Có những thân cây vừa phục hồi từ sau bão năm 2013 thì đến năm 2017 lại tiếp tục gãy đổ.

Ông Phùng Văn Minh, ở thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, có 5ha cao su. Bão năm 2013 làm hàng trăm cây cao su ba năm tuổi gãy đổ.

Ông Minh gắng gượng dựng từng gốc dậy, chờ cây mọc mầm. Đến năm 2017, bão số 10 khiến hơn một nửa số cao su của ông bị ngã rạp khiến ông gần như ngã quỵ.

Tỉnh Quảng Trị từng có những “thị trấn cao su”, “xã cao su”. Nhiều nông dân xây dựng được cơ nghiệp từ cây cao su. Tuy nhiên, bão xảy ra liên tục với cường độ lớn đã khiến dân lãnh đủ thiệt hại.

Bà Nguyễn Thị Hứa, ở thị trấn Cửa Tùng, nói bà tích cóp vay mượn trồng được gần 2ha cao su. Tuy nhiên, vườn cây vừa cho thu hoạch được hơn một năm thì cơn bão số 10 năm 2017 đến quét sạch.

Theo chính quyền tỉnh Quảng Trị, bão quá mạnh trong khi thân cây cao su giòn nên khó chịu được sức gió.

Ông Hà Sĩ Đồng – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị – cho hay trước đây việc quy hoạch cây cao su theo hướng mở rộng vì giá trị kinh tế của loại cây này cao, có thể cải thiện cuộc sống cho người dân. Nhưng sau mấy trận bão, tỉnh đã chủ trương không phát triển thêm diện tích cao su để nghiên cứu tìm loại cây khác phù hợp hơn với điều kiện thời tiết.

“Nếu cứ vài năm bão lớn lại ập đến một lần thì dù cao su có giá trị lớn đến mấy cũng không bù được” – ông Đồng nói. Ông Đồng cũng cho biết những trận bão lớn vài năm qua đã khiến 5.000ha cao su của dân “bốc hơi”.

Cao su trồng lấy… lá

Năm 2011, những quả đồi màu mỡ ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam từng được đưa vào vùng chuyên canh cao su thay thế cho diện tích cây keo kém hiệu quả.

Nhưng sau hơn 7 năm từ ngày trồng, giờ đây nhiều chủ vườn ngậm đắng nuốt cay khi cây cao su trồng lên, số thì không cho mủ, chỉ thấy lá xanh tốt; số thì đành bỏ hoang vì chi phí nuôi cây quá cao trong khi đầu ra mù mịt.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn cao su trông chẳng khác gì khu rừng cây bụi bị bỏ hoang, bà Trần Thị Thu Nga (xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) chua chát: “Tụi tui bỏ cả mấy trăm triệu vô 3ha cao su rồi nhưng toàn bộ vườn giờ chưa được giọt mủ nào. 2/3 trong số này giờ đành bỏ hoang, phá bỏ thì tiếc của mà giữ lại chẳng biết để làm gì”.

Bà Nga nói toàn bộ vườn cao su của bà được trồng vào năm 2012, khi đó huyện thông báo về triển vọng cao su, đồng thời đưa ra chính sách hỗ trợ cây giống.

Bỏ tiền phát dọn, bà cho hay mấy năm đầu được cán bộ hướng dẫn quy trình chăm sóc nên cây cao su phát triển tốt nhưng tới năm thứ 3, thứ 4 trở đi, tình hình bắt đầu bi quan vì năm 2015 giá mủ cao su xuống thấp.

Tình trạng èo uột tương tự cũng xảy ra ở hầu hết các vườn cao su tiểu điền (diện tích nhỏ lẻ do dân trồng) ở các vùng tập trung cao su của Quảng Nam như Phước Sơn, Đông Giang, Hiệp Đức, Thăng Bình… Thậm chí các vườn cao su thuộc quản lý của các doanh nghiệp hai ba năm nay cũng trong tình trạng cầm cự vì kém hiệu quả, giá tụt xuống quá thấp.

“Tình hình giá thấp vài ba năm nay, tới hôm nay thì có nhích lên chút, đạt mức 34 triệu đồng/tấn mủ nhưng chúng tôi cũng cố gắng duy trì” – ông Trương Thu, giám đốc Công ty MTV Cao su Quảng Nam, nói.

Cao su Tây Bắc: năng suất thấp

Khảo sát ở một số vùng trồng cao su tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, bà con ở đây cũng cho hay gần đây cao su không cho mủ, người trồng gần như đã bỏ cây này.

Theo ông Hà Quyết Nghị – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, cây cao su đã được đưa về trồng ở Sơn La từ cách đây khoảng 10 năm và ban đầu dự định sẽ trồng khoảng 50.000ha.

Tuy nhiên, mới trồng được 6.000ha thì xuất hiện một số vấn đề, như Sơn La có 4 tháng mùa lạnh, cây quang hợp yếu nên không khai thác được mủ, năng suất thấp hơn so với cao su trồng ở vùng nóng.

“Hiện nay cây ở năm thứ 7 cho 1,2 tấn mủ/ha, so với trồng các loại cây ăn quả, rau, cây có múi khác thì thu nhập từ cao su thấp hơn nhiều, chỉ bằng từ 1/4 đến 1/2” – ông Nghị cho biết.

Địa hình Sơn La nhiều đồi dốc, tầng đất mỏng cũng không thuận lợi để phát triển cao su. Tuy nhiên, trả lời về việc có sai lầm hay không khi lựa chọn đưa cao su về trồng ở Sơn La, ông Nghị cho rằng các bên khảo sát, trong 180.000ha ở Sơn La, đã lựa chọn 50.000ha có thể trồng cao su và mới trồng 6.000ha, đó không phải là vội vàng mà có tìm hiểu, quy hoạch hẳn hoi!

Tại tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Sở NN&PTNT, cũng cho hay năm 2010 giá cao su đạt mức 5.000 USD/tấn, sau này giảm mạnh, có lúc chưa đến 1.000 USD/tấn.

Trong khi đó, ông Tuấn thừa nhận thu nhập phải trên 3.000 USD/tấn mới đảm bảo có lợi nhuận vì ở Lào Cai mật độ trồng thưa, phải trèo đèo lội suối mới thu hoạch được.

Trong khi ở Dầu Tiếng (Bình Dương) giá cao su là 2.000 USD/tấn đã có lợi nhuận. Ông Tuấn phân trần: “Chúng tôi vẫn xác định cao su là cây đa mục đích, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa lấy mủ. Sau này hết niên hạn thì thành cây lấy gỗ”…

Những người tiên phong điêu đứng

caosu

Một trong nhiều vườn cao su của nông dân Bắc Trà My bị bỏ hoang, không chăm sóc – Ảnh: B.D.

Cùng với cao su đại điền, ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có nhiều nông dân đã vay ngân hàng để trồng cây cao su tiểu điền.

Ông Nguyễn Thanh Quang, xã Bình Khương (huyện Bình Sơn), cho biết cách đây gần 20 năm, nghe nói cao su là cây công nghiệp hiệu quả kinh tế cao nên ông và nhiều người tham gia trồng. Ai ngờ sau thiệt hại do cơn bão năm 2009 gây ra, cao su lại rớt giá.

“Đến nay nhiều hộ vẫn còn nợ ngân hàng vì vay tiền trồng cao su” – ông Quang cho biết.

Xuôi từ xã Bình Khương về xóm giữa, xã Bình Minh – nơi từng là thủ phủ của tiểu điền cao su hơn 20 năm về trước – nay tình hình đã rất khác.

Cây keo chiếm phần lớn đất đai, số ít ỏi những rừng cao su già nua nằm giữa những mảnh đất trồng keo, mì… Ông Tưởng, một người dân ở đây, nói: “Người ta phá hết cao su rồi, để chi cho xốn mắt”…

TS Nguyễn Hồ Lam (giảng viên khoa nông học, ĐH Nông lâm Huế): Quy hoạch cần có chọn lọc

Về thổ nhưỡng, các tỉnh miền Trung khá phù hợp để cây cao su phát triển. Nhiều tỉnh trồng cao su và lượng mủ thu hoạch tốt như Quảng Bình, Quảng Trị. Tất nhiên năng suất so với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên thì không thể bằng.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất khiến cao su ở miền Trung bị thiệt hại nặng là thời tiết. Mỗi năm miền Trung bình quân có 10-12 trận bão, trong khi cây cao su rất giòn nên thường bị gãy đổ sau bão.

Vì vậy, tôi cho rằng khi quy hoạch cây cao su ở các địa phương cần cân nhắc và chọn lọc thật kỹ các vùng có thể trồng dựa trên cả thổ nhưỡng, thời tiết.

Ở Quảng Nam có những nơi trồng sẽ không có mủ, có thể những nơi đó đất đai không phù hợp, tầng đất cạn.

Rễ cao su khi mọc xuống sẽ va phải tầng đá cứng khiến cây không phát triển được; hoặc ở những vùng có độ cao lớn, nhiệt độ thấp (bình quân khoảng dưới 15 độ C) thì cây cao su sẽ không thể có thu hoạch.

Theo Tuoitre.vn

Từ khóa : huyện Bắc Trà Mymủ cao sutrồng cao suVàng trắngVườn cao su

Các tin liên quan đến bài viết