Nhà sản xuất ôtô Đức Continental AG đã cấm công nhân sử dụng dịch vụ nhắn tin WhatsApp (thuộc sở hữu của Facebook) và Snapchat trên điện thoại ở công ty.

(Nguồn: Guestlist)

Trong thông báo phát đi ngày 5-6, Continental AG cho biết lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức, được đưa ra vì những lo ngại về bảo mật dữ liệu, trong đó có việc các ứng dụng trên yêu cầu người dùng được truy cập vào danh bạ điện thoại. Điều này trái với các quy định của luật quản lý dữ liệu riêng tư của Liên minh châu Âu (EU).

Luật quản lý dữ liệu riêng tư (GDPR) mới của EU công bố vào ngày 25-5 vừa qua đã chống lại cách các hãng công nghệ khổng lồ công nghệ như Google và Facebook thu thập và xử lý thông tin cá nhân người dùng.

Continental lo ngại rằng với luật mới có lỗ hổng khiến trách nhiệm tuân thủ bảo vệ các dữ liệu riêng tư được chuyển sang người dùng ứng dụng. Theo hãng xe Đức, để đáp ứng yêu cầu GDPR, người sử dụng các nền tảng nhắn tin này sẽ phải liên lạc với mọi người trong danh bạ điện thoại của họ.

Mô tả việc bảo vệ dữ liệu như là một “nghĩa vụ,” Giám đốc điều hành Continental Elmar Degenhart kêu gọi các công ty công nghệ giúp người dùng dễ dàng tuân thủ các quy tắc mới.

Đáp lại, phía Snap Inc cho biết Continental đã hiểu sai vấn đề khi cho rằng GDPR đẩy gánh nặng tuân thủ quy tắc bảo mật cho người dùng ứng dụng.

Trong một email gửi tới hãng tin CNBC, phía dịch vụ nhắn tin trên cho biết người dùng hoàn toàn có quyền đồng ý hay không cho phép ứng dụng Snapchat truy cập vào danh bạ và mọi dữ liệu đã tải lên đều có thể bị xóa bất kỳ lúc nào.

Những lo ngại về việc lạm dụng thông tin cá nhân nổi lên sau vụ bê bối rò rỉ dữ liệu mới đây liên quan đến Facebook và Cambridge Analytica (CA). Công ty phân tích thị trường và tư vấn chính trị của Anh bị cáo buộc sử dụng trái phép dữ liệu của 87 triệu người dùng mạng xã hội Facebook để phục vụ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của tỷ phú Donald Trump hồi năm 2016.

Theo TTXVN

Từ khóa : Continental AGfacebookSnapchatWhatsApp

Các tin liên quan đến bài viết