“Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời đưa ra là củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, tạo nguồn cán bộ. Từ chỗ chỉ có 356 đơn vị cơ sở có tổ chức cơ sở đảng, với 8.448 đảng viên năm 1997, đến tháng 12-2016, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 22 đảng bộ trực thuộc, 836 đơn vị cơ sở có tổ chức cơ sở đảng, với trên 32 ngàn đảng viên. Quả là bước phát triển vượt bậc” – đồng chí Bùi Thanh Phong, nguyên Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.

CHUYỂN MÌNH TỪ CHỈ THỊ 39

Có thể nói, những năm đầu tái lập, đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp tỉnh thiếu trầm trọng. Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, sau đại học chưa tới 10%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên cũng chỉ khoảng 5%. Hệ thống chính trị ở xã, thị trấn nhiều bất cập, hạn chế trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong đó có công tác phát triển đảng viên. Trước tháng 12-2005, toàn tỉnh có 773 thôn, ấp, khu phố thì có đến 51 thôn, ấp, khu phố chưa có đảng viên (chiếm 6,6%) và 83 thôn, ấp, khu phố chưa có chi bộ (10,73%). Toàn tỉnh có 323 trường THCS, tiểu học, mẫu giáo, mầm non, nhưng có đến 95 trường chưa có chi bộ (29,41%) và 28 trường chưa có đảng viên (8,66%). Trong các công ty cao su thuộc doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh, có 11/165 tổ, đội sản xuất chưa có chi bộ… Nhắc lại những con số này cho thấy, công tác phát triển đảng viên gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có chi bộ nhiều năm liền không phát triển được đảng viên nào.

“Nhiều hội nghị, cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và cả Thường trực Tỉnh ủy được tổ chức trong giai đoạn này, trong đó bàn sâu về công tác phát triển đảng viên, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ thực trạng này, ngày 2-12-2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa VIII đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU về tăng cường lãnh đạo công tác kết nạp đảng viên, gắn với xóa thôn, ấp chưa có đảng viên, chưa có chi bộ” – đồng chí Võ Đình Tuyến, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy nhớ lại.

Đảng ủy Báo Bình Phước tổ chức lễ kết nạp đảng tại Tượng đài Phú Riềng Đỏ, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú – Ảnh: BPO

Ngay sau khi Chỉ thị 39 ban hành, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, các huyện, thị và đảng ủy trực thuộc đều thành lập đoàn khảo sát, điều tra các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Từ việc đánh giá đúng thực trạng, Chỉ thị 39 đã nhận được sự đồng thuận thống nhất cao từ chi bộ đến các cấp ủy đảng. Nhiều giải pháp đã được cấp ủy các cấp đưa ra và thực hiện có hiệu quả, như tích cực mở lớp phổ cập giáo dục; tăng cường tạo nguồn kết nạp đảng viên ở các thôn, ấp, sóc; chủ động đào tạo cán bộ ở vùng sâu, xa, biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình là ở 2 huyện Phước Long, Bù Đăng, ban thường vụ huyện ủy đã đưa ra chủ trương lựa chọn những quần chúng ưu tú là con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học trung cấp lý luận chính trị. Ban tổ chức các huyện, thị ủy: Phước Long, Đồng Xoài, Bình Long, Bù Đăng chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tham mưu cấp ủy về công tác tổ chức, đảm bảo sau khi chia tách, thành lập mới xã, thôn, ấp, trường học, trạm y tế… đều có đảng viên, chi bộ độc lập.

Có thể khẳng định: Chỉ thị số 39 của Tỉnh ủy đã thực sự làm nền tảng cho công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ tỉnh ngày càng vững mạnh. Từ đây, số lượng đảng viên của Đảng bộ tỉnh hằng năm luôn vượt chỉ tiêu, năm sau cao hơn năm trước. Đảng viên mới kết nạp có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ cao hơn, độ tuổi cũng trẻ hơn; tỷ lệ đảng viên là công nhân, nông dân tăng rõ rệt. Đảng viên là đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn đạt từ 60-70%. Đặc biệt, trong hai năm 2006, 2007 đã có 12 quần chúng là tín đồ các tôn giáo được kết nạp Đảng, tăng 300% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 39; có 160 quần chúng là đồng bào dân tộc thiểu số được kết nạp Đảng, tăng 100,25% so với năm 2005. Tại các thôn, ấp, khu phố, trường học đã khắc phục được tình trạng “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ. Nhiều đảng viên được kết nạp ở giai đoạn này trưởng thành, đã và đang công tác với các cương vị chủ chốt ở cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp…

ĐI VÀO THỰC CHẤT

Quán triệt Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với tổ chức thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị), ngày 7-5-2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 18-KH/TU về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy trong công tác kết nạp đảng viên. Từ kết quả điều tra khảo sát theo Kế hoạch số 18, ngày 30-6-2008, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát triển đảng viên.

“Từ Chỉ thị 39 mà hệ thống chính trị các xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới được củng cố, tăng cường. Đặc biệt, việc tăng cường cán bộ biên phòng về xã biên giới giữ các vị trí chủ chốt và điều động, phân công đảng viên về sinh hoạt tại thôn, ấp “trắng” đảng viên nhằm xây dựng phong trào, tạo nguồn phát triển đảng đã xóa được thôn, ấp, “trắng” đảng viên, chi bộ, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở”.

Nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Võ Đình Tuyến khẳng định

Đồng chí Nguyễn Hữu Luật, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Tỉnh ủy yêu cầu mỗi cấp ủy, chi bộ phải xác định các biện pháp, giải pháp để nâng chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên. Đồng thời khắc phục việc “nhắm” đối tượng để đạt chỉ tiêu kết nạp, không quan tâm, giúp đỡ, bồi dưỡng đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người có đạo để tạo nguồn lâu dài. Từ đó, công tác tạo nguồn được các cấp ủy chú trọng, xem đây là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên. Các tổ chức đảng tập trung xem xét đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác, bảo đảm đảng viên được kết nạp có cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng.

Những năm qua, tỷ lệ phát triển đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh được nâng lên rõ rệt và đảm bảo chất lượng. Các cấp ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp Đảng, đồng thời gắn với củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng ở khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tỷ lệ đảng viên trẻ, người dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, công nhân, nông dân tăng lên rõ rệt. Đến ngày 20-12-2016, toàn Đảng bộ tỉnh có 832 tổ chức cơ sở đảng và 2.428 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, gồm 32.275 đảng viên.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa ra những mục tiêu và giải pháp như: Quan tâm công tác tạo nguồn, bồi dưỡng và phát triển đảng viên ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo và trong các doanh nghiệp tư nhân với phương châm “coi trọng chất lượng, đảm bảo chặt chẽ về tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục kết nạp”. Cùng với việc thực hiện các giải pháp khác mang tính đột phá trong xây dựng đảng, công tác phát triển đảng viên đã, đang góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo động lực đưa Bình Phước phát triển nhanh, bền vững.

Hoàng Ngọc (BPO)

Từ khóa : bù đăngphát triển ĐảngPhú Riềng đỏphước long

Các tin liên quan đến bài viết