Đó là phương pháp dạy dành cho lứa tuổi mầm non của cô giáo Nguyễn Thị Thùy Mỵ, Trường mầm non Hoa Mai, P.Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Cô giáo mầm non dạy bé yêu thiên nhiên 
Một tiết học chăm sóc hoa ngoài trời của lớp cô Mỵ 

Hơn bốn năm qua, cô Mỵ đã lồng ghép rất nhiều đề tài về thiên nhiên vào các buổi học để các bé thêm kiến thức về thiên nhiên xung quanh mình.

Lớp học ngoài vườn
Sáng thứ hai đầu tuần, gần 30 bé ở lớp chồi 2 của cô Mỵ ngoài mang cặp đến lớp, mỗi bé còn đem theo hạt giống rau dền, củ cải, mồng tơi… mà cô Mỵ đã dặn dò từng bé trước đó. Cô Mỵ nói hôm nay sẽ dạy các bé tự xới đất, gieo hạt rồi tưới nước. Sau khi ổn định lớp, cho các bé ăn sáng, cô Mỵ cùng cô bảo mẫu dắt các bé ra khoảnh đất đã chuẩn bị trước đó, bắt tay vào xới đất, chuẩn bị cho việc gieo hạt giống trồng rau. “Dù tay có bị dơ nhưng các bé rất thích khi được tận tay làm những việc như xúc đất, tưới rau” – cô Mỵ nói.

“Làm mà mất thời gian, cực khổ ai mà không ngại. Nhưng với các em đang giai đoạn hình thành tính cách mà mình ngại khổ ngại cực, thì lớn lên các em sẽ không hoàn thiện được tâm hồn, tính cách, rất khó trở thành một công dân tốt”
Cô Nguyễn Thị Thùy Mỵ

Những ngày sau đó, các bé tiếp tục nhiệm vụ tưới nước, nhổ cỏ, chộn rộn cả một góc trường. Nghe các bé rủ rỉ với nhau những lời cô dạy, nào là “tưới nước vừa đủ thôi, không được lãng phí”, “nhổ cỏ phải cẩn thận, coi chừng gãy cây hoa”, “rác bỏ vô thùng, đừng bỏ lung tung”, cô Mỵ bảo: “Những điều đó sẽ thành ý thức của các bé”. Đi dạy gần 10 năm, những năm đầu cô Mỵ nói cứ theo giáo án soạn sẵn lên lớp mà dạy, cô nói mặc cô, trò chơi mặc trò vì các bé còn quá nhỏ. Rồi cô nghĩ sao mình không để các bé tự khám phá, rồi mình sẽ hướng dẫn, giảng giải để các bé hiểu việc bé đang làm sẽ dẫn đến kết quả như thế nào. Nghĩ và làm ngay, cô Mỵ xin ban giám hiệu cho các bé được ra sân tham gia trồng cây, chăm sóc hoa cỏ để bé học cùng thiên nhiên. Ý tưởng của cô Mỵ được chấp nhận ngay, cô hiệu trưởng còn đề nghị các lớp chồi, lá cũng nên tổ chức lớp học giống như vậy.

Không mới 
nhưng thích hợp
Hơn bốn năm nay, chỉ trừ những ngày mưa gió, còn lại ngày nào các bé cũng được ra vườn để tưới cây, nhặt cỏ, coi sóc cây mình đã trồng hoặc chỉ để đứng đó nghe cô kể sự tích một loài hoa, loài cây thôi mà các bé vẫn thích thú. Trường cũng dành hẳn một khoảng đất rộng hơn 70m2 để các lớp chia nhau làm nơi trồng hoa, trồng rau. “Nhiều hôm đón con, thấy bé cầm trên tay vài cọng cải khoe mẹ do chính tay con trồng, con thu hoạch mà mình mừng lắm, vì biết con mình hiểu biết hơn chính nhờ sự tận tâm của cô giáo” – chị Lê Thị Hoài Thu, phụ huynh có con học lớp cô Mỵ, cho biết. Cô Ngô Thị Tú Ngọc, hiệu phó Trường mầm non Hoa Mai, cho biết ý tưởng của cô Mỵ đã khơi gợi cho ban giám hiệu một hướng dạy tuy không mới nhưng thật sự rất thích hợp cho trẻ ở địa bàn này. “Các bé lớn lên với xung quanh rất nhiều loài cây trái, nhưng chưa hẳn các bé đều hiểu nguồn gốc, cách trồng như thế nào. Để trẻ sống cùng thiên nhiên là để hình thành cho trẻ biết yêu và bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn môi trường” – cô Tú Ngọc nói. Cô Nguyễn Thị Thùy Mỵ vừa được Bộ GD-ĐT tuyên dương nhà giáo xuất sắc vào tháng 10-2016.

Đưa biển, đảo vào chương trình“Học sinh bây giờ nhạy bén hơn mình tưởng. Nhiều khi chỉ một vài hình ảnh núi, biển lướt qua khi xem phim mà các bé cứ hỏi suốt là ở đâu… Đó cũng là vấn đề cần dạy các bé, chứ không phải đợi đến cấp I, cấp II” – cô Mỵ nói. Cô Mỵ lên mạng tìm tòi nhiều hình ảnh, đoạn phim về biển đảo để giới thiệu cho các bé. Chú trọng dạy theo phương pháp trực quan sinh động nên cô hạn chế nói lý thuyết, chỉ tìm phim, hình ảnh cho các bé xem dễ tiếp thu. Ví dụ như ở Nha Trang có đảo gì, Vũng Tàu, Phú Quốc có những sản vật gì, muối được làm từ đâu…Vào những giờ học như thế, cô Mỵ còn lồng ghép các câu chuyện bảo vệ môi trường như không hút thuốc lá nơi công cộng, không bỏ rác ra sông, ra biển, không chặt phá cây, bảo vệ những con vật quý hiếm…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : lớp họcthiên nhiên

Các tin liên quan đến bài viết