Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm gì để giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp và khắc phục tình trạng sử đụng đất sai mục đích, để đất bị lấn chiếm, lãng phí. Đó là những nội dung đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong phiên họp toàn thể tại Hội trường Diên Hồng ngày 5-6.
Theo thống kê, mỗi năm, cả nước có hơn 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Kết quả điều tra cho thấy, có 70% lượng nước thải công nghiệp chưa được xử lý triệt để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, việc xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường của các doanh nghiệp còn tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân.
Đại biểu Phan Viết Lượng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết, cử tri rất bức xúc trước tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường và gây ô nhiễm môi trường của một số doanh nghiệp trong thời gian qua. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết nguyên nhân tình trạng này và giải pháp để kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật.
Đại biểu Phan Viết Lượng phát biểu chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Trả lời đại biểu Phan Viết Lượng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nguyên nhân là năng lực kiểm tra, giám sát, kiểm soát chưa đầy đủ, chưa đưa ra được những yêu cầu về giám sát, kiểm soát thường xuyên, công nghệ của một số doanh nghiệp không đáp ứng với tiêu chuẩn hiện nay.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là vấn đề cần rút ra bài học trong thời gian sắp tới, từ khâu đánh giá tác động môi trường, đến khâu phân loại các lĩnh vực đầu tư sản xuất để khoanh lại những lĩnh vực tiềm năng ô nhiễm cao, xác định được đâu là doanh nghiệp cần quan tâm thường xuyên, tập trung để quản lý.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận là thanh tra, kiểm tra hiện nay không hiệu quả, thông báo đến thì doanh nghiệp có thể chạy hết công suất của công nghệ xử lý nhưng khi về thì ban đêm có thể doanh nghiệp tắt máy… Do vậy, sắp tới công việc này cũng cần phải thay đổi để không phải thực hiện thanh tra thường xuyên mà cần thanh tra đột xuất trên cơ sở phát hiện của người dân. Biện pháp cuối cùng là nếu đánh giá doanh nghiệp vi phạm một vài lần và trên thực tế công nghệ về sản xuất không thể khắc phục được thì đình chỉ hoạt động. Tương lai bộ sẽ phân dòng các loại đầu tư và phân dòng từ công nghệ sản xuất, sau đó quan tâm đến giám sát, kiểm soát.
Nêu ra một thực tế là nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước buông lỏng quản lý, để hoang, sử dụng sai mục đích nhiều khu đất có giá trị… đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ làm gì để góp phần khắc phục những hành vi vi phạm quản lý đất trong thời gian qua như chậm đưa đất vào sản xuất, sử đụng đất sai mục đích để đất bị lấn chiếm, thất thoát lãng phí.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận có nhiều hạn chế về quản lý đất đai. Đây là yếu kém hiện nay trong quản lý đất đai. Bộ trưởng hoàn toàn đồng tình với đại biểu và cho rằng để tăng cường quản lý, trung ương và địa phương cần phải sớm xem xét, rà soát lại quỹ đất, sử dụng đất, các quy định hiện hành.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết thêm trong thời gian tới bộ sẽ làm việc nghiêm túc, chặt chẽ khi xác định các tiêu chí, năng lực của các nhà đầu tư, đảm bảo tiến độ đầu tư. Song song đó là xây dựng cơ chế, tài chính đất đai để đảm bảo nhà đầu tư phải thực hiện đúng cam kết.
Theo Báo Bình Phước