Trần Thánh Tông là con thứ của Trần Thái Tông, đã tham gia chỉ huy quân đội trong chiến tranh Mông Cổ – Đại Việt năm 1258. Không lâu sau khi cuộc chiến chấm dứt, ông được vua cha truyền ngôi hoàng đế. Trong thời kỳ cầm quyền, Trần Thánh Tông đã khuyến khích phát triển giáo dục, kinh tế và chọn người giỏi vào làm những chức vụ cao trong bộ máy chính trị – quân sự. Về đối ngoại, Thánh Tông phải đương đầu với tham vọng bành trướng của đế quốc Nguyên – Mông cường thịnh ở phương Bắc. Ông đã thực thi một chính sách ngoại giao mềm mỏng với nhà Nguyên, nhưng cự tuyệt mọi yêu sách của vua Nguyên đòi ông sang chầu. Ngoài ra, Thánh Tông cũng chỉnh đốn quân đội để đề phòng sự xâm lược của người Nguyên.
Tháng 11-1278, Thánh Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông và trở thành thái thượng hoàng. Sau đó, ông vẫn tiếp tục cai quản việc nước. Cùng với vua Nhân Tông và Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, thượng hoàng Thánh Tông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh bại hai cuộc xâm lược của Nguyên -Mông năm 1285 và 1287. Ông cũng là một nhà văn hóa, nhà thiền học, thường hay sáng tác thơ ca hoặc những bài đệ về thiền, một số tác phẩm như “Di hậu lục” (Chép để lại cho đời sau), “Thiền tông liễu ngộ” (Bài ca giác ngộ Thiền tông), “Trần Thánh Tông thi tập” (Tập thơ Trần Thánh Tông),… nhưng hầu hết đều đã thất lạc, chỉ còn lưu lại 6 bài thơ chép rải rác trong “Việt âm thi tập” và “Đại Việt sử ký toàn thư”.
Minh họa: S.H
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua Trần Thánh Tông là vị hoàng đế thứ hai của vương triều Trần, ở ngôi từ tháng 3-1258 đến tháng 11-1278. Sau đó, ông làm thái thượng hoàng từ cuối năm 1278 cho đến khi qua đời. Ông được sử sách ca ngợi là một vị vua nhân hậu, luôn hòa thuận với anh em trong hoàng gia và giữ vững cơ nghiệp của triều đại. Vì thế, dưới thời ông trị vì đã quy tụ được rất nhiều người tài giỏi và giai thoại sau đây là một minh chứng.
Tháng 2 năm Mậu Dần -1278, niên hiệu Bảo Phù năm thứ 6 thời trị vì của vua Trần Thánh Tông. Lúc này dân ta chết vì bệnh đậu mùa rất nhiều, một bệnh trong “tứ chứng nan y” thời đó khi không có thuốc chữa. Dạo ấy, nhà dân ở kinh thành thường bị cháy về ban đêm, chẳng biết do bị phóng hỏa hay đốt trấu để xóa dịch bệnh. Vua Thánh Tông ra ngoại thành xem chữa cháy, khi ấy viên quan Nội thư gia là Đoàn Khung được đi theo hầu. Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cho hay, vua muốn biết người nào đến trước, đến sau tham gia việc chữa cháy, bèn sai quan Nội thư gia họ Đoàn điểm danh, báo cáo.
Việc này thực khó, vì muốn biết ai đến trước đến sau, cứ hỏi chính người đó mới biết. Nhưng chắc không phải ai cũng tâu thật. Vì thế viên quan Đoàn Khung liền nghĩ ra một kế. Ông tập hợp những người chữa cháy lại xếp thành hàng, rồi đưa tay sờ và ấn đầu từng người một và bảo ngồi xuống để đếm, đếm xong thì ông tâu rõ với vua người nào đến trước, người nào đến sau, quả nhiên không sai chút nào.
Khâm phục tài năng của họ Đoàn, vua Thánh Tông bèn hỏi: Tại sao mà ngươi biết rõ thế được? Đoàn Khung bấy giờ chắp tay mà rằng: Thần sờ và ấn đầu người nào mà thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám vào nhiều thì ắt đó là những người đến trước và cố sức chữa cháy. Người nào đầu tóc không có mồ hôi mà tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa, vì thế mà biết.
Vua cho là giỏi, có ý cất nhắc để dùng. Nhưng 8 tháng sau, ngày 22 tháng 10 âm lịch cùng năm, vua Trần nhường ngôi cho con trai là hoàng thái tử Trần Khâm (tức vua Trần Nhân Tông) rồi lên làm thái thượng hoàng. Ông về ở Bắc cung rồi đi tu, nghiên cứu Phật học, viết sách. Thời vua Anh Tông, nhớ lại việc của Đoàn Khung, vua liền cất nhắc viên Nội thư gia năm xưa, cho Đoàn Khung làm Kiểm pháp quan, khi xét án, hễ Anh Tông hỏi về điển lệ cũ, Đoàn Khung đều dẫn được án cũ làm chứng, có khi dẫn nhiều đến 5, 6 án. Vua Anh Tông khen viên Kiểm pháp quan họ Đoàn thông minh nhớ lâu và suy xét thấu đáo. Có được viên Kiểm pháp như thế, cũng là cái lợi cho dân nơi công đường, hình án.
Lời bàn:
Qua nội dung của giai thoại nêu trên cho thấy, không phải đến bây giờ, mà ngay từ thời xa xưa, tổ tiên của chúng ta đã biết vận dụng án lệ. Điều này thật đơn giản, bởi án lệ là đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý, đường lối này đã được coi như một tiền lệ, thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự. Nói nôm na, xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự.
Ở nước ta, việc áp dụng án lệ mới được thực hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong việc vận dụng án lệ trong hoạt động xét xử của tòa án các cấp là ở chỗ thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thực sự là người “cầm cân nảy mực” một cách công tâm, minh bạch hay không, nếu ngược lại thì sẽ là hệ lụy khó lường cho tòa án cấp trên và cho cả những người trong cuộc. Vì vậy, để tránh hệ lụy thì trước hết người đứng đầu có vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi từ ngày xưa đến nay, tổ tiên ta đã đúc kết rằng “vua sáng, ắt sẽ có tôi hiền”.
Theo Báo Bình Phước