Thanh tra TP.HCM phát hiện quá trình cho thuê nhà đất công của chính quyền cùng một số doanh nghiệp nhà nước tại quận 6 có nhiều sai phạm và có dấu hiệu để tư nhân trục lợi đất công.

Chiếm dụng công viên trong thời gian dài

Điển hình nhất là tại 2 Công viên Phú Lâm và Bình Phú có 2 công trình tư nhân xây dựng không phép, 8 công trình xây dựng không đúng quy hoạch, lấn chiếm sử dụng chung để kinh doanh nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Đơn cử, Công viên Phú Lâm (phường 12) có tổng diện tích hơn 61.000 m2, giáp mặt tiền 3 tuyến đường: Kinh Dương Vương, An Dương Vương và Lê Tuấn Mậu, là điểm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân ở quận 6. Tuy nhiên, nhiều năm qua, một phần diện tích lớn nhất của công viên này được biến thành 1 trung tâm tiệc cưới với quy mô rất hoành tráng tên Sun Palace.

Vị trí nhà hàng Sun Palace hiện nay trước đây vốn là hội trường cũ thuộc Trung tâm Văn hóa quận 6. Điều đáng nói là, với tổng diện tích khoảng 1.900m2 nằm ở vị trí mặt tiền tuyệt đẹp của đường Kinh Dương Vương nhưng số tiền thuê quá “bèo” chỉ 20 triệu đồng/tháng.

tp.hcm: nhieu sai pham cho thue nha dat cong tai quan 6 hinh anh 1

Trung tâm tiệc cưới Sun Palace trong khuôn viên công viên Phú Lâm.

Tương tự Công viên Phú Lâm, Công viên Bình Phú (phường 10) cũng là nơi vui chơi, giải trí của người dân địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm nay công viên này cho một số doanh nghiệp thuê đất kinh doanh, trong đó nổi bật nhất là nhà hàng – cà phê 7 Kỳ Quan ở số 12, đường 26 được giới thiệu có tổng diện tích xây dựng tới 4.000 m2 và tổng sức chứa lên tới 1.200 khách. Theo ghi nhận của PV, khuôn viên của nhà hàng chạy sâu vào phía bên trong chiếm một phần của công viên này.

Đáng nói hơn, vào tháng 12.2017, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu phải di dời toàn bộ các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe… tồn tại trên đất công viên trên toàn thành phố, trong đó có các công viên ở quận 6 để trả lại mặt bằng công viên cho người dân theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay chỉ đạo của người đứng đầu TP.HCM vẫn bị phớt lờ.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, việc sử dụng đất phải thực hiện theo đúng quy định về công năng và chức năng. Đối với các công viên, khu vực có cây xanh và các công trình phụ trợ đều phục vụ cho lợi ích công cộng, người dân.

Nguyên tắc tỉ lệ chung giữa mảng xanh và các công trình xây dựng, đơn vị quản lý buộc phải tuân thủ. Các đơn vị được giao quản lý công viên phải đảm bảo đúng nguyên tắc đó. Nhưng thực tế, vẫn còn tình trạng sử dụng sai mục đích và có tình trạng “xẻ thịt” công viên.

tp.hcm: nhieu sai pham cho thue nha dat cong tai quan 6 hinh anh 2

Nhà hàng 7 Kỳ quan trong khuôn viên công viên Bình Phú

Hàng loạt khu đất công chưa thu hồi

Ngoài 2 công viên nói trên, Thanh tra còn phát hiện sai phạm của Công ty Cổ phần Đầu tư Bình phú tại dự án khu quy hoạch chợ Bình Phú ở phường 10 khi thực hiện việc thỏa thuận giao cho một cá nhân là ông Lê Văn Phải phần đất diện tích 2.498m2 mà không tiến hành xây dựng công viên sân chơi tập trung là chưa đúng quy hoạch được duyệt.

Cũng tại khu đất này UBND quận 6 có sai phạm khi chấp thuận cho ông Phải đầu tư xây dựng 2 sân tennis và 1 sân bóng đá mini dù quy hoạch là đất công viên.

Cũng tại quận 6, khu đất công có diện tích 4.266 m2 (số 353 An Dương Vương) được cho một tư nhân thuê từ năm 2003 để làm nhà xưởng với giá thuê được tính theo bảng giá thuê từ năm 1994.

Trong phiên giám sát tại quận 6 vừa qua, ông Cao Thanh Bình – Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM cũng cho biết thông tin từ năm 2017 đã có rất nhiều nhà, đất công tại quận này được thành phố phê duyệt phương án cho bán đấu giá. Tuy nhiên, hơn một năm nay chưa có mặt bằng nào được thu hồi để bán đấu giá. Hiện quận này còn một loạt địa chỉ như 12 Cao Văn Lầu, 751/14 Hồng Bàng, 751 Lò Gốm, 361 Đặng Nguyên Cẩn, 215 Hậu Giang… vẫn để không gây lãng phí ngân sách.

Ngoài ra, việc cho thuê mặt bằng đất công ở quận 6 còn bị gặp tình trạng quỵt nợ vì người thuê đất trả mặt bằng, bỏ trốn nhưng địa phương này cũng như cơ quan quản lý không có giải pháp để giải quyết. Cụ thể, 4 mặt bằng trên đường Hậu Giang, Ngô Nhân Tịnh, Chu Văn An, Mai Xuân Thưởng, đơn vị ký hợp đồng là Công ty Công ích quận 6 không thể đòi nợ vì đơn vị thuê đã bỏ trốn. Nhưng khi truy trách nhiệm, đại diện Công ty Công ích quận 6 cho biết đã hoàn thành xong việc cổ phần hóa, không còn được giao quản lý, giữ hộ và cho thuê kinh doanh nhà, đất công nữa. Số tiền nợ thuê đất của 4 mặt bằng nêu trên, đơn vị này cho hay vẫn đang… treo.

Theo lý giải của lãnh đạo UBND quận 6, hiện nay quận cũng không thể bỏ kinh phí rất lớn ra để sửa chữa, cải tạo các nhà, đất để cho thuê. Về việc thu nợ các hợp đồng thuê nhà đất, hiện nay quận đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các đối tượng thuê đất còn tài sản khác để cấn trừ. Trong trường hợp không thu hồi được, Công ty Công ích quận 6 phải chịu trách nhiệm chi trả khoản nợ này.

Theo Dân việt

Từ khóa : công viên Bình Phúcông viên Phú Lâmđất côngquận 6

Các tin liên quan đến bài viết