Ngày 27-12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Công trình nước sạch nông thôn là hạ tầng quan trọng, cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Việc bảo vệ, sử dụng, khai thác hiệu quả, bền vững, gắn với huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cùng nhà nước đầu tư phát triển, khai thác công trình nước sạch là rất cần thiết.

Người dân khu định canh định cư ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương (Bình Long) sử dụng nước sinh hoạt từ giếng tập trung do Nhà nước đầu tư – Ảnh: Hải Châu

Công tác quản lý, sử dụng, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, nhà nước từng bước nắm được số lượng, chất lượng, hiện trạng sử dụng, tình hình biến động của công trình để phục vụ công tác đầu tư, quản lý, khai thác, xác lập hồ sơ công trình và chủ thể được giao quản lý công trình, bước đầu xã hội hóa việc đầu tư, vận hành công trình nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng và các địa phương, quá trình triển khai thực hiện còn một số hạn chế như: một số công trình chưa được quyết toán hoặc hồ sơ quyết toán chưa đảm bảo yêu cầu, nguồn vốn đầu tư đa dạng từ nhiều chương trình, chia thành nhiều giai đoạn nên việc thiết lập hồ sơ ban đầu ở một số địa phương khó khăn; việc xác định giá trị công trình khi giao cho doanh nghiệp chưa được tính toán, giao theo giá trị còn lại thực tế, cơ chế cho doanh nghiệp nhận nợ chưa rõ ràng nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp trong việc nhận chuyển giao công trình…

Các công trình đã giao đang hoạt động có hiệu quả, tiếp tục giao cho đối tượng quản lý, sử dụng khai thác; các công trình chưa được giao cho đối tượng quản lý hoặc giao quản lý, vận hành chưa hiệu quả, tổ chức thực hiện đánh giá, xác định giá trị còn lại thực tế của từng công trình gắn với thời gian sử dụng thực tế; thời hạn đánh giá giá trị còn lại thực tế của từng công trình và giao cho đơn vị quản lý, vận hành chậm nhất đến 30-6-2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh điều chỉnh chính sách bàn giao công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung theo hướng các công trình sau khi rà soát, đánh giá xác định được giao cho đơn vị có đủ năng lực quản lý, vận hành công trình theo quy định; thực hiện giao theo nhóm công trình trong một vùng, khu vực (xã, liên xã, huyện) theo quy hoạch, không giao riêng lẻ công trình thuận lợi có ưu thế khai thác. Thứ tự ưu tiên giao quản lý, vận hành công trình như sau: giao cho doanh nghiệp; giao cho đơn vị sự nghiệp công lập; giao cho UBND cấp xã.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế cân đối ngân sách địa phương quyết định cấp bù từ ngân sách địa phương hoặc nguồn chương trình mục tiêu (nếu có) trong trường hợp giá bán nước sạch nông thôn do UBND cấp tỉnh quyết định thấp hơn giá thành được tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cấp nước.

Nguồn: BPO

Từ khóa : chất lượngdầu tưhiện trạng sử dụngkhai thácố lượngquản lýxác lập hồ sơ

Các tin liên quan đến bài viết