Theo các chuyên gia chính trị, trường hợp ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là diện cán bộ do Ban Bí thư quản lý.
Vi phạm của ông Nguyễn Bắc Son tới mức phải thi hành kỷ luật (đồ họa Việt Anh).
Theo PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM), đối với cán bộ cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng thuộc diện Bộ Chính trị quản lý; đối với cán bộ nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cán bộ hàm thứ trưởng hoặc tương đương thuộc diện Ban Bí thư quản lý.
Trường hợp ông Nguyễn Bắc Son là diện cán bộ do Ban Bí thư quản lý. Theo thông báo kết luận số 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thương vụ MobiFon mua 95% cổ phần của AVG, ông Son đã vi phạm rất nghiêm trọng, vậy vi phạm này cấp nào sẽ xử lý.
Theo một Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trường hợp cấp nào xử lý đối với ông Son còn phụ thuộc vào hình thức kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương được quyết định thi hành kỷ luật mức khiển trách, cảnh cáo đối với diện cán bộ do Trung ương quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp. Ví dụ như cán bộ là Bộ trưởng nhưng không phải Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Nếu cán bộ thuộc diện nêu trên vi phạm cần phải thi hành kỷ luật cao hơn mức cảnh cáo (cách chức, khai trừ- PV) thì phải do Ban Bí thư quyết định.
Theo quy định 102 -QĐ /TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, đối với đảng viên chính thức khi vi phạm có 4 hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.
Quy định này cũng nêu bốn trường hợp mức độ vi phạm. Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại không lớn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, Cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây phẫn nộ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất tư cách của đảng viên và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác.
Trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Những vi phạm của Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Nguyễn Bắc Son, đồng chí Trương Minh Tuấn, đồng chí Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone và các đồng chí Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng. Còn vi phạm của đồng chí Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng.
Vi phạm của tổ chức và cá nhân nêu trên đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Theo Dân việt