![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu (Đại học Việt – Đức) |
Theo ông Hiếu, miễn phí cho người đi xe hơi vào trung tâm nhưng lại tốn rất nhiều tiền của xã hội để giải quyết các vấn đề do nạn kẹt xe. Vì vậy, chẳng có bữa trưa miễn phí nào kéo dài mãi. Việc thu phí vừa chống tắc nghẽn, chống quá tải vừa giảm ô nhiễm, giảm chi phí xã hội. Đây là những mục tiêu đại diện cho lý do phải thu phí. Sâu xa ra, việc thu phí này có ý nghĩa về mặt nhân văn, kinh tế, bao gồm cả sự cạnh tranh, vừa thể hiện sự công bằng xã hội. Ủng hộ việc thu phí là ủng hộ một cách tiếp cận với điều kiện nếu các giải pháp thông thường không có hiệu quả thì dùng nó như một liều thuốc mạnh. Cũng không hẳn đây là đơn thuốc duy nhất nhưng là một liều thuốc cần thiết góp phần vào việc giảm tắc nghẽn ở trung tâm.
Ai cũng nghĩ mình là nạn nhân của tắc nghẽn: Việc đảm bảo hạ tầng giao thông đô thị (đường sá, vận tải công cộng) phục vụ hiệu quả là trách nhiệm của Nhà nước. Người dân trông đợi và đó là quyền chính đáng. Nhưng để Nhà nước làm được thì cần xác định tất cả những người tham gia giao thông đều có phần trách nhiệm trong đó. Thông thường chúng ta hiểu trách nhiệm là lái xe an toàn, tuân thủ pháp luật, nhưng thực tế còn cả vấn đề chia sẻ lợi ích. Mỗi chiếc ôtô khi đi lại ở khu vực trung tâm, chủ xe chi một đồng thì xã hội phải chi ra nhiều hơn để làm nhiều việc: chi phí cho đường sá, chiếu sáng, bãi đỗ xe, cứu hộ, bảo đảm an toàn, trạm xăng; chi phí giải quyết ô nhiễm; chi phí liên quan đến tắc nghẽn: một xe chạy làm cho tổng thời gian phải chờ của người khác tăng lên; chi phí về bảo đảm quản lý an toàn (ví dụ chi phí về bảo hiểm tai nạn người đi xe chịu một phần, còn xã hội phải chịu phần khác); chi phí cá nhân đối với ôtô ẩn chứa chi phí xã hội khi nó tiêu tốn nguồn lực chung và gây tắc nghẽn, ô nhiễm rất lớn. Trách nhiệm xã hội của cá nhân là đừng chất gánh nặng lên vai người khác. |
Nguồn: tuoitre.vn