Đảng bộ, chính quyền và người trồng tiêu ở Bình Phước đang nỗ lực sản xuất hồ tiêu bền vững, xứng đáng với vùng đất được mệnh danh là “vương quốc” của hồ tiêu Việt Nam và giải bài toán thách thức hồ tiêu hiện nay là: Phát triển nóng vượt quy hoạch, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong hạt tiêu đen xuất khẩu.
KHI NÔNG DÂN NHẬN THỨC PHẢI SẢN XUẤT TIÊU SẠCH
Tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ở thị xã Đồng Xoài ngày 31-10-2016, với chủ đề: Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Tây Nguyên – Đông Nam bộ, ông Willem Van Watt Meijer, Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (Công ty Nedspice) khẳng định: Hiệu quả của 3 năm liên kết sản xuất chuỗi giá trị tiêu sạch giữa nông dân và Công ty Nedspice là người trồng tiêu nâng cao nhận thức sản xuất tiêu sạch bền vững.
Bền vững theo ông Meijer trước hết là bảo vệ môi trường sống xanh – sạch cho sức khỏe cộng đồng và cả người trồng tiêu. Những thành viên trong các câu lạc bộ (CLB) sản xuất tiêu sạch liên kết với Công ty Nedspice đã nhận thức được quy luật thị trường là nông dân không quyết định được giá mà phụ thuộc người tiêu dùng. Theo đó, người trồng tiêu phải tuân thủ quy luật của thị trường, kể cả trong thời điểm thuận lợi do nguồn cung chưa đáp ứng cầu.
Nhà nông huyện Bù Đốp thu hoạch hồ tiêu – Ảnh: Đ. Kiểm
Ông Nguyễn Văn Tiến ở ấp K54, xã Lộc Thiện (Lộc Ninh), thành viên CLB sản xuất tiêu sạch bền vững Lộc Thiện có hơn 1.000 trụ tiêu, trong đó 600 trụ đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 3kg/trụ. Tham gia CLB giúp ông xác định muốn tiêu giảm sâu bệnh, sản phẩm đạt chất lượng thì phải trồng và chăm sóc theo hướng kết hợp vô cơ, hữu cơ. Để có sản phẩm sạch theo yêu cầu của Công ty Nedspice ông Tiến không lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV có độc tố cao, không sử dụng các hoạt chất thị trường Mỹ, Nhật, EU cấm sử dụng trong hồ tiêu như carbendazim, perethrin, metalaxyl, chloprifos ethyl… Ưu tiên phòng trừ nấm, sâu rầy, rệp bằng nấm đối kháng, mua phân bón, thuốc BVTV của các công ty uy tín. Thu hoạch bảo đảm đúng thời gian cách ly sử dụng thuốc BVTV.
Quy trình sản xuất tiêu sạch của ông Tiến cũng là quy trình của 523 thành viên tham gia 24 CLB sản xuất tiêu sạch bền vững liên kết với Công ty Nedspice trên địa bàn 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản từ năm 2013 đến nay. Nedspice ký hợp đồng tiêu thụ với các hợp tác xã (HTX) sản xuất hồ tiêu bền vững kiểu mới và dự kiến đến năm 2020, sẽ có khoảng 2.000 hộ trồng tiêu sạch, sản lượng 3.000 tấn có hợp đồng tiêu thụ ổn định với công ty.
NGƯỜI TRỒNG TIÊU KHÔNG MUỐN ĐỨNG RIÊNG LẺ
Tháng 6-2014, hồ tiêu Lộc Ninh, địa phương thứ 2 (sau Chư Sê) được dán nhãn hiệu tập thể. Ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết: Năm 2014-2015, giá tiêu đạt đỉnh cao, đã có 826 nông dân đăng ký tham gia Hội hồ tiêu. Hội Nông dân huyện cũng đã sẵn sàng đại hội ra mắt Ban chấp hành Hội hồ tiêu khi có quyết định của tỉnh.
Những ngày cuối năm 2016, người trồng tiêu ở xã Hưng Phước (Bù Đốp) phấn khởi dự đại hội thành lập HTX trồng tiêu sạch bền vững Hưng Phước (HTX Hưng Phước). HTX Hưng Phước bước đầu đã có 80 thành viên với mức đóng góp vốn điều lệ 30 triệu đồng/xã viên. Ông Trần Văn Phụng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, Phó ban chỉ đạo Phát triển kinh tế hợp tác tỉnh Bình Phước đánh giá, đây là HTX nông nghiệp kiểu mới, ngành nghề chính là trồng tiêu có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh (trước đó, 2 HTX trồng tiêu sạch bền vững Lộc Ninh ra mắt trong tháng 11-2016 chỉ có 17 thành viên). HTX Hưng Phước nằm trong 6 chuỗi giá trị nông sản theo chủ trương tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ Bình Phước.
Thuận lợi của HTX Hưng Phước là trong tổng số thành viên thì người trồng tiêu đã và đang tham gia CLB trồng tiêu sạch bền vững liên kết Công ty Nedspice chiếm số đông, đã được cấp chứng chỉ sản xuất tiêu sạch theo tiêu chí R.A.
Ông Bùi Quốc Hai, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX cho biết, hiện có rất nhiều người trồng tiêu ở Bù Đốp muốn tham gia HTX. Vào HTX người trồng tiêu liên kết và kiểm soát quy trình sản xuất của nhau. Chỉ cần 1 xã viên có hành vi gian lận thương mại hoặc cố tình sản xuất không theo quy trình thì hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của HTX với doanh nghiệp không còn giá trị. HTX kiểu mới sẽ gỡ được nút thắt hạn chế sản xuất nông nghiệp là tạo ra cánh đồng lớn, sản phẩm lớn liên kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết để nông sản có đầu ra bền vững.
Theo quy hoạch của tỉnh, hội nông dân 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản phối hợp với Liên minh HTX vận động thành lập các HTX tỉnh trồng tiêu bền vững kiểu mới. Hiện trên địa bàn 3 huyện phong trào HTX được nông dân hưởng ứng tích cực.
ỔN ĐỊNH DIỆN TÍCH 14.500 HA
Ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khẳng định, tại Bình Phước, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu có xu hướng tăng nhưng chưa vượt quy hoạch của tỉnh. Đến tháng 9-2016, diện tích hồ tiêu của Bình Phước là 14.406 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 9.727 ha, năng suất bình quân khoảng 2,737 tấn/ha, sản lượng 26.626 tấn.
Phát triển hồ tiêu bền vững là trọng tâm trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Ông Phạm Văn Hoang, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh có 14.500 ha hồ tiêu, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha. Vùng trồng tiêu trọng điểm là Lộc Ninh, Bù Đốp và Hớn Quản, trong đó bố trí hợp lý ở những vùng có điều kiện đất đai, nguồn nước phù hợp, hướng tới sản xuất bền vững nông nghiệp xanh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thực tế, từ năm 2013 đến nay, diện tích hồ tiêu ở Bình Phước có xu hướng tăng nhanh (năm 2012 là 10.010 ha, năm 2013 là 10.753 ha) nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của ngành nông nghiệp và chưa vượt quy hoạch tổng thể. Diện tích hồ tiêu chết hằng năm không tăng nhanh như ở các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Nông.
Sản xuất hồ tiêu ở Bình Phước áp dụng biện pháp canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện ngành nông nghiệp đẩy mạnh xây dựng vùng chuyên canh tập trung với quy mô phù hợp; tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng trọt tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; tăng cường phòng chống dịch bệnh; phát triển hồ tiêu gắn với công nghiệp chế biến. Xây dựng ngành sản xuất hồ tiêu thành ngành sản xuất lớn trên địa bàn và phát triển bền vững. Hoàn thiện cơ chế tổ chức quản lý việc phát triển hồ tiêu, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tiêu an toàn.
Với những bước đi bài bản, khoa học phù hợp với thực tiễn, hồ tiêu Bình Phước sẽ khẳng định thương hiệu sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Nguồn: BPO