Từ khi việc học tập và làm theo Bác được phát động rộng rãi, tạo sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân, trên địa bàn xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giỏi của các hội viên nông dân. Trong đó nổi bật là bà Triệu Thị Bé Bảy với vườn sầu riêng mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

THU TRÊN 1 TỶ ĐỒNG/NĂM TỪ SẦU RIÊNG

Đến ấp Quyết Thành, xã Lộc Khánh, hỏi thăm bà Triệu Thị Bé Bảy, ai cũng hết lời khen ngợi và thán phục, bởi bà cần cù chịu khó, trồng sầu riêng trúng mùa trúng giá liên tục, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Bà Bảy cho biết: 8 năm trước, trên mảnh vườn của gia đình trồng cao su, rồi đến tiêu nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao. Qua nhiều năm buôn bán sầu riêng và tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, tích lũy được kinh nghiệm chăm sóc cây sầu riêng, năm 2000 gia đình tôi quyết định chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Bà Triệu Thị Bé Bảy trong vườn sầu riêng của gia đình

Vườn nhà bà Bảy trồng chuyên canh 2 giống sầu riêng Ri6 và Monthong, trên diện tích gần 2 ha, với 200 cây. 2018 là năm thứ 3 nhà bà Bảy thu hoạch chính vụ đối với sầu riêng Ri6 và thu vụ đầu tiên sầu riêng Monthong. Chỉ vào cây sầu riêng trĩu trái, bà Bảy phấn khởi nói: “Năm nay, vườn nhà tôi cho thu khoảng trên 30 tấn trái, đầu vụ thu được 8 tấn, thương lái đến tận vườn mua với giá 70 ngàn đồng/kg. Rộ mùa, gia đình thu hoạch và bán với giá dao động từ 35-40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, vụ sầu riêng này gia đình lời hơn 1,5 tỷ đồng”. Không những phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình mà từ vườn sầu riêng, bà Bảy đã tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên và trên 20 lao động thời vụ với thu nhập ổn định.

HỖ TRỢ CÙNG PHÁT TRIỂN

Qua nhiều năm gắn bó với loại “cây hạng sang” này, bà Bảy chia sẻ: Trồng sầu riêng không dễ, trước hết phải nắm rõ đặc điểm sinh trưởng của cây để biết thời điểm xử lý trái cho hiệu quả; đồng thời bón phân, xịt thuốc, tưới nước cũng phải đúng lúc và đủ liều lượng. Ngoài chăm sóc đúng kỹ thuật, tôi còn lắp đặt hệ thống vòi phun nước, xịt thuốc tự động. Cách làm này vừa tiết kiệm được tiền thuê nhân công vừa đảm bảo cây có lượng nước vừa đủ, phát triển đồng đều.

Sầu riêng cho thu hoạch nhiều năm (trên 20 năm), lại tốn ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, giá tương đối ổn định… Đặc biệt, chất lượng cơm của sầu riêng Monthong rất ngon, có màu vàng nhạt, vị ngọt thanh, cơm dày, hạt lép. Trung bình một trái có trọng lượng từ 2,5-4,5kg. Với những ưu điểm đó nên ngoài diện tích tại ấp Quyết Thành, gia đình bà Bảy còn đầu tư mở rộng vườn ở xã lân cận. Đến nay, bà có trên 5 ha sầu riêng và giống sầu riêng Monthong là cây chủ lực. Ngoài phát triển kinh tế gia đình từ cây sầu riêng, bà Bảy còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, giúp vốn, cây giống cho những hội viên nông dân khó khăn trên địa bàn.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bà vận dụng vào trong lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Bà Bảy chia sẻ: “Lúc đầu cứ nghĩ liệu mình có thể hiểu, học và làm theo Bác được hay không? Nhưng sau khi nghe kể nhiều về Bác với những bài học đạo đức, về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tôi nghĩ bản thân có thể học Bác từ những việc rất gần gũi, thiết thực trong cuộc sống. Nếu có quyết tâm, ai cũng làm được. Học Bác mỗi người tự làm giàu cho bản thân, gia đình, đóng góp cho xã hội, cùng xây dựng quê hương giàu mạnh”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Khánh Thị Lộc cho biết: “Bà Triệu Thị Bé Bảy là hội viên rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với người dân trong khu vực. Bà luôn tiên phong mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và giúp đỡ các hội viên khác cùng làm giàu. Trong học tập, làm theo gương Bác, bà Bảy thực hiện rất tốt và có hiệu quả”.

Chính từ việc làm, hành động, những đóng góp trong hội nông dân nhiều năm liền, bà Bảy luôn được hội viên tín nhiệm, quý mến, là tấm gương sáng trong lao động sản xuất và lối sống để học hỏi. Từ đó cái tên “Cô Bảy sầu riêng” bắt đầu vang xa và được nhiều người biết đến. Thấy cách làm ăn của gia đình bà đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông hộ trong và ngoài xã đã đến tham quan, học hỏi và được bà nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Hiện nay, đã có trên 10 hộ nông dân trong và ngoài ấp Quyết Thành được bà Bảy hướng dẫn chọn giống, cách trồng, chăm sóc sầu riêng.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : 24hbinhphuocbinh phuoc 24htin 24hTin tức Bình Phước

Các tin liên quan đến bài viết