Uỷ ban Văn hóa giáo dục TNTN không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong Dự thảo Luật. Bộ GD&ĐT đã lên tiếng giải thích vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, ý kiến của cơ quan thẩm tra chủ yếu là về sử dụng thuật ngữ, không phải vấn đề quan điểm điều chỉnh pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng
Bà Phụng cho rằng, theo quy định của Luật phí, lệ phí hiện nay thì học phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế tính giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, với những khoản mà người học phải đóng góp cho quá trình học, thuật ngữ học phí vẫn nên sử dụng để đảm bảo tính thông dụng, dễ hiểu, dễ áp dụng.
Điều 105 Dự thảo sửa Luật Giáo dục vẫn quy định về học phí. Tuy nhiên, cơ chế xác định và thu học phí đã được đổi mới theo Luật Giá. Điều 105 nêu trên quy định: Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo. Nội dung này được cơ quan thẩm tra rất đồng thuận.
Về tên gọi của không chỉ quy định về học phí mà còn quy định về các vấn đề như: nhà nước đặt hàng đào tạo, dịch vụ sử dụng/ không sử dụng ngân sách nhà nước, dịch vụ tuyển sinh… theo bà Phụng nên gọi chung là Giá dịch vụ đào tạo theo nghĩa rộng, để khái quát cho tất cả các nội dung được đề cập đến trong điều này.
Riêng phần đóng cho đào tạo được viện dẫn sang Điều 105, bà Phụng giải thích: đối với khoản tiền mà người học phải đóng cho quá trình học vẫn được quy định là học phí.
Về nội dung, đối với dịch vụ do Nhà nước đặt hàng đào tạo và cấp kinh phí để thực hiện và đối với các cơ sở GDĐH công lập, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định khung giá và giá cụ thể.
Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước, theo bà Phụng, cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Các mức này đều được tính theo cơ chế tính giá và phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.
Bà Phụng cho rằng, quy định như trên với mục đích để đảm bảo đổi mới căn bản về tài chính GDDH, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội VN, minh bạch để người học lựa chọn các chương trình, cơ sở đào tạo phù hợp.
“Dự thảo mới được đưa ra xin ý kiến Quốc Hội và toàn xã hội. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới” – bà Phụng bày tỏ.
Theo Dân Trí