Để được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng cùng cạnh tranh với nhau, nêu ra các đề án “Nếu tôi là Hiệu trưởng, tôi sẽ…” để giúp học sinh, nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục. Ứng viên xuất sắc nhất với những đề án tối ưu, thiết thực, thuyết phục được ban tổ chức lựa chọn sẽ là người trúng tuyển.

“Nếu tôi là Hiệu trưởng, tôi sẽ…”

Ban thường vụ huyện ủy Cư M’gar (Đắk Lắk) vừa tổ chức thí điểm việc báo cáo đề án công việc có cạnh tranh trước khi bổ nhiệm (theo Nghị quyết Trung ương 6). Trong đó, 3 trường khuyết vị trí Hiệu trưởng là trường THCS Đinh Tiên Hoàng, TH Mạc Thị Bưởi, TH Lê Quý Đôn sẽ gồm 9 ứng viên (mỗi trường 3 ứng viên) hiện là Phó Hiệu trưởng các trường trên địa bàn huyện tham gia ứng tuyển.


Các Phó Hiệu trưởng trình bày đề án công việc để được Ban thường vụ chọn lựa người xứng đáng vị trí Hiệu trưởng.

Các Phó Hiệu trưởng trình bày đề án công việc để được Ban thường vụ chọn lựa người xứng đáng vị trí Hiệu trưởng.

Tại buổi báo cáo các đề án, các Phó Hiệu trưởng đã báo cáo trước Ban thường vụ huyện ủy cùng các khách mời là tập thể cán bộ, giáo viên cùng công tác nơi ứng tuyển tham gia bỏ phiếu đồng ý hoặc không đồng ý cho các ứng viên sau khi đề án được báo cáo xong. Các ứng viên sẽ có khoảng 30 phút để nêu ra đề án của mình; qua đó, phải nêu thực trạng và phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn của địa phương, đơn vị đăng ký dự tuyển; đề ra được các chỉ tiêu nhiệm vụ, các biện pháp, giải pháp khả thi, có hiệu quả trong từng năm và trong thời hạn bổ nhiệm (5 năm) giữ chức vụ.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Sỹ Chung – Phó hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (ứng cử chức danh Hiệu trưởng trường này) nêu quan điểm về việc nâng cao chất lượng giáo dục của trường cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy và tinh thần đoàn kết của giáo viên trong trường.

Bên cạnh đó, việc các học sinh nghỉ học cần được các giáo viên xuống tận nhà tìm hiểu kỹ nguyên nhân, lý do nghỉ học. “Trường sẽ thành lập hội đồng, phối hợp với địa phương để vận động, giải quyết khó khăn cho gia đình để các em được tiếp tục đến trường”, ông Chung cho hay.

Trong khi đó, ông Lê Văn Mùi – Phó hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng lại cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc các học sinh của trường mình nghỉ học, bỏ học giữa chừng là do các em còn chưa nói sõi tiếng Việt dẫn tới việc chán nản, học kém rồi bỏ học. Ông Mùi cho biết, nếu ông được làm Hiệu trưởng nhà trường, ông sẽ tổ chức phụ đạo thêm giúp các em dân tộc thiểu số thực sự nói rõ tiếng Việt để yêu thích và hào hứng khi đến lớp.

Ngoài ra, ông Mùi còn nêu quan điểm về việc công đoàn nhà trường chưa dám trái ý Hiệu trưởng dẫn đến quyền lợi nhà giáo chưa thật sự được đảm bảo về quyền lợi. “Là Hiệu trưởng cần tăng cường đối thoại, nắm bắt tâm tư để từng giáo viên, để việc giảng dạy sẽ tốt hơn, chất lượng giáo dục được nâng cao…”, ông Mùi cho biết thêm.

Lựa chọn người xứng đáng nhất vào chức danh Hiệu trưởng

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thượng Hải – Bí thư Huyện ủy Cư M’gar cho biết, sau khi các ứng viên báo cáo đề án sẽ trả lời thêm 5 câu hỏi để được chấm điểm, Ban thường vụ sẽ họp bàn thêm để đánh giá hiểu biết chung của ứng viên về chủ trương, chính sách, phong cách lãnh đạo… rồi bỏ phiếu kín. Các khách mời cũng tham gia bỏ phiếu kín đồng ý và không đồng ý chọn ai trúng tuyển.

Cũng theo ông Hải, việc báo cáo đề án công việc trước khi bổ nhiệm nhằm tạo sự bình đẳng, dân chủ, công khai, khách quan để lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thực sự có năng lực; tạo cơ hội có tâm huyết, tri thức và tư duy mới tham gia vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện.

“Thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, công tác cán bộ phải công khai, minh bạch, có đề án để đánh giá và phải có sản phẩm. Ban thường vụ huyện ủy và khách mời chủ chốt sẽ được nghe ứng cử các vị trí báo cáo sẽ hiểu được năng lực của từng người, chọn ra người giỏi nhất. Việc thực hiện báo cáo đề án còn giúp các cán bộ khi trúng cử sẽ làm việc được ngay không mất thời gian tìm hiểu nữa, bởi trước đó các đồng chí này sẽ tìm hiểu nghiên cứu rất kỹ về đơn vị mới có thể đưa ra những định hướng phù hợp nhất”, ông Hải nhận định.

Bên cạnh đó, vị Bí thư Huyện ủy còn nhấn mạnh: “Việc cạnh tranh này còn giúp trong công tác đánh giá cán bộ thuận lợi hơn, với những đề án được trình bày, sau này Ban thường vụ sẽ tập hợp xem những cán bộ này đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm việc đã đề ra nếu làm không được thì sẽ buộc xử lý theo quy định hoặc mời anh từ chức”.

Được việc, ngoài chức danh Hiệu trưởng, năm nay huyện ủy cũng tổ chức thí điểm báo cáo công việc ở các vị trí Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã, Phó Chánh Văn phòng huyện ủy.

Theo Dân Trí

Từ khóa : bổ nhiệm chức danhchất lượng giáo dụcchức danh hiệu trưởng

Các tin liên quan đến bài viết