Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng nhằm quản lý chặt xe hợp đồng trá hình.

9
Xe Limousine thường xuyên đón khách đi Quảng Ninh trước cổng rạp xiếc T.Ư trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội – Ảnh: K.Linh

Có hợp hiến, hợp pháp?

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ, xe hợp đồng trá hình thời gian qua bùng phát mạnh ở Hà Nội và một số địa phương. Loại xe này không bị kiểm soát giá vé, có thể thu tiền mặt nên dễ né được các loại thuế VAT, thuế thu nhập DN. “Nhà xe lách luật, đối phó bằng cách in sẵn hợp đồng, khi có khách mới ghi tên vào nên có thể luồn lách vào các quận nội thành, trung tâm lập điểm đón, trả khách gây nên tình trạng xe dù, bến cóc, ông Liên nói.

Để ngăn chặn tình trạng trên, tại Điểm e, Khoản 1, Điều 7 và Khoản 2, Điều 8 dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô quy định: “Đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng”.

Tuy nhiên, góp ý dự thảo, Bộ Tư pháp lại cho rằng, quy định này không hợp lý, cản trở DN kinh doanh vận tải kết hợp nhận vận chuyển nhiều nhóm khách trên một tuyến đường để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, theo Bộ Tư pháp, Luật GTĐB không có bất kỳ quy định nào hạn chế và cấm dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng. Vì vậy, mọi quy định hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng về số lượng hợp đồng, nội dung hợp đồng khi chưa được luật cho phép chỉ nhằm phục vụ công tác quản lý có thể bị coi là không hợp hiến, hợp pháp.

Ở chiều ngược lại, ông Bùi Danh Liên cho rằng, việc quy định mỗi chuyến xe chỉ được ký một hợp đồng như dự thảo nhằm siết xe hợp đồng trá hình là hợp lý để bảo vệ người dân, giúp DN cạnh tranh công bằng. Ông Liên cho rằng, vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, một chuyến xe chỉ nên có một hợp đồng. Đã gọi là hợp đồng vận chuyển thì hợp đồng cho quãng đường từ A tới B, không phải là hợp đồng đi đón khách khắp nơi rồi ghi vào danh sách hành khách để ký hợp đồng sẽ thành xe dù. Đó là hành vi lách luật, vì lợi nhuận nên phá vỡ quy định xe hợp đồng.

Về quan điểm cho rằng, xe hợp đồng trá hình đang phục vụ tốt người dân mà “siết” thì không phù hợp, ông Liên cho rằng, loại hình này chỉ phục vụ một nhóm nhỏ thấy tiện lợi, đi từ nhà đến nhà. “Các quy định vận tải được đưa ra là nhằm phục vụ cộng đồng, số đông chứ không phải nhóm nhỏ. Điều này ảnh hưởng đến vận tải tuyến cố định, gây ùn tắc trong nội đô các thành phố lớn”, ông Liên nói.

Cùng quan điểm, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng lại nói: “Tôi cho rằng, không chỉ GTVT mà các ngành khác như: Tài chính, Công an nên vào cuộc mạnh mẽ để xử lý triệt để tình trạng này. Để quy định có hiệu quả cần có chế tài kiểm tra, kiểm soát, xử nghiêm các hành vi vi phạm”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) – doanh nghiệp vận tải có hoạt động vận tải khách hợp đồng bằng xe Limousine cho biết, quy định mỗi xe kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng là không hợp lý, cản trở doanh nghiệp kinh doanh vận tải kết hợp nhận vận chuyển nhiều nhóm khách trên cùng một tuyến đường để tiết kiệm chi phí. Quy định này hạn chế quyền tự do giao kết số lượng hợp đồng, nội dung hợp đồng khi không được Luật GTĐB cho phép mà quy định này chỉ nhằm thỏa mãn ý chí của người quản lý để phục vụ cho công tác này.

Cũng theo ông Hà, quy định hạn chế quyền đi chung xe là hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng, nhu cầu sử dụng xe hợp đồng của người dân. Hơn nữa, đây là quy định làm khó lực lượng chức năng và doanh nghiệp khi đối mặt trên đường vì việc xác định lỗi để xử lý vi phạm là rất khó. Ví dụ, trên một chuyến xe có 10 người, số này không quen biết nhưng nhà xe nhờ một người họ đứng ra nhận làm đại diện ký hợp đồng thì lực lượng chức năng rất khó xử lý vì khó chứng minh những người cùng xe quen biết hoặc không quen biết nhau. Đưa ra quy định cần phải phù hợp với thực tiễn chứ không phải như dự thảo theo kiểu không quản được thì cấm.

Nếu bỏ sẽ bùng phát xe trá hình, gây ùn tắc

Cũng theo ông Bùi Danh Liên, nếu không quy định mỗi xe chỉ được ký một hợp đồng, xe khách trá hình càng nở rộ. Lúc đó các bến xe sẽ không còn xe khách vào mà tất cả các xe đều ra bến cóc, bến lậu, hoặc chạy lòng vòng đón khách.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN nhìn nhận, loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng phát triển mạnh do các điều kiện kinh doanh còn tương đối dễ. Bà Hiền cũng cho rằng, xe dù, bến cóc do xe vận chuyển hợp đồng gây nên đang ngày càng diễn biến phức tạp. “Quy định mỗi chuyến xe chỉ được ký một hợp đồng vận chuyển nhằm quản lý chặt loại hình này, giải quyết dứt điểm tình trạng xe hợp đồng chạy trá hình tuyến cố định, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc, bà Hiền nói.

Cũng theo bà Hiền, cần xem xét kỹ, trong trường hợp không trái quy định của hiến pháp và pháp luật thì phải giữ nguyên như dự thảo để bảo đảm phục vụ công tác quản lý và thực hiện đúng với điều kiện kinh doanh của từng loại hình vận tải. Về lâu dài, khi sửa Luật GTĐB và áp dụng đồng bộ các giải pháp ứng dụng quản lý hoạt động kinh doanh vận tải thông qua hệ thống giám sát camera, lệnh vận chuyển điện tử, thiết bị giám sát hành trình, thay đổi màu biển số giữa xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân, khi đó việc bỏ quy định này là phù hợp.

Liên quan đến vấn đề các lực lượng chức năng đang gặp khó khăn trong việc giám sát việc thực hiện hợp đồng vận chuyển hoặc đơn vị sử dụng hợp đồng vận chuyển đúng quy định hay không, bà Hiền cho biết, bên cạnh xây dựng hành lang pháp lý, tổng cục đang nghiệp cung cấp trước khi khởi hành như: Tên đơn vị vận tải, số hợp đồng, điểm khởi hành, điểm kết thúc, tuyến đường, các điểm đón, trả khách, số lượng khách, thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc.

“Hệ thống sẽ truy xuất các thông tin về hành trình thực tế được cập nhật từ cơ sở dữ liệu của hệ thống quản lý giám sát hành trình. Hệ thống lưu trữ, xử lý, đối chiếu và cung cấp cho lực lượng chức năng xử lý vi phạm”, bà Hiền cho biết.

Để chống xe dù, bến cóc, dự thảo Nghị định 86 cũng bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và tài xế không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh. Trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông qua phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi. Trong 1 tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến xe có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau, không thực hiện lặp lại trên một lịch trình, hành trình. Dự thảo Nghị định cũng cho phép sử dụng hợp đồng điện tử.

Theo lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), hiện vẫn còn một số doanh nghiệp vận tải lách luật, sử dụng dạng xe Limousine để đặt chỗ, thu tiền gom khách, “núp bóng” xe hợp đồng vận chuyển hành khách như tuyến cố định, sử dụng trụ sở, phòng vé, văn phòng đón trả khách sai quy định. Việc làm này dẫn đến hình thành “bến cóc”, đón trả khách thường xuyên tại các địa điểm trong nội thành nhưng chưa được cơ quan chức năng phát hiện hoặc phát hiện nhưng xử lý chưa triệt để. “Nguyên nhân do sự vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa quyết liệt. Nhiều Sở GTVT chưa làm tốt công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp vi phạm. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật đối với loại hình xe hợp đồng còn kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng. Điều kiện kinh doanh đối với xe hợp đồng đơn giản, dễ đáp ứng và còn nhiều khó khăn trong việc nhận diện, phân biệt với loại hình khác”, đại diện Vụ Vận tải cho biết.

Theo Báo Giao thông

Từ khóa : bến cócđón trả kháchkinh doanh vận tảinghị định 86xe dùXE HỢP ĐỒNGxe trá hình

Các tin liên quan đến bài viết