Tuổi trẻ, tuổi thanh xuân đầy ước mơ, hoài bão luôn là đề tài khai thác của nhiều lĩnh vực từ âm nhạc, văn học đến phim ảnh, hội họa. Thống kê cho thấy có tới 70% khán giả tới rạp xem phim thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên. Chính vì thế, phim ảnh, truyền hình có dành một sự ưu ái đặc biệt với đối tượng khán giả này cũng là điều dễ hiểu.

Không ít đạo diễn khai thác sâu, kỹ những vấn đề của giới trẻ như tình yêu, hướng nghiệp, hôn nhân… trong tác phẩm của mình. Thực tế cho thấy, đề tài này có thể thu hút khán giả mọi lứa tuổi. Người trẻ thấy như được tâm sự, chia sẻ và đồng cảm với những trăn trở, băn khoăn, suy nghĩ của chính mình. Còn những người đã đi qua tuổi trẻ lại như gặp lại chính mình của những năm tháng cũ. Có lẽ vì thế, trong sự phát triển ào ạt của phim truyền hình thì dòng phim dành cho giới trẻ vẫn là một dòng chảy mạnh mẽ, bền vững với số lượng phim đáng kể.

Chính vì vai trò quan trọng của mảng phim về giới trẻ trong dòng chảy phim truyền hình nên có thể nói, mảng phim này khá tương đồng tình trạng chung của phim truyền hình. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi phim truyền hình dài tập lần đầu tiên xuất hiện, các khán giả của lứa tuổi 7x, 8x đã bị màn ảnh nhỏ hấp dẫn bởi những bộ phim nói về chính tâm tư, tình cảm của lứa tuổi mình như “Phía trước là bầu trời”, “12A 4H”, “Xin hãy tin em”…

Một đời sống sinh viên nghèo khó nhưng đầy hoài bão và lãng mạn trong những bộ phim này đã góp phần xây biết bao ước mơ trong lòng người trẻ. Gần đây, sau một thời gian nỗ lực, phim truyền hình Việt lấy lại được sự tin yêu của khán giả thì trong số những bộ phim “hot” trên màn ảnh nhỏ ấy, không thể thiếu vắng những phim dành cho khán giả trẻ.

Những khuôn hình đẹp như mơ trong phim “Tuổi thanh xuân” khiến khán giả trẻ mê mẩn

Cùng với một loạt những bộ phim về đề tài hôn nhân gia đình, khán giả có thể dễ dàng kể ra những bộ phim khiến họ say mê như “Tuổi thanh xuân”, “Khúc hát mặt trời”, “Cầu vồng tình yêu”, “Zippo, mù tạt và em”… Những bộ phim này không chỉ thu hút khán giả vì câu chuyện cuốn hút mà các nhà làm phim đã xây dựng được một diện mạo trẻ trung với những đầu tư cần thiết vào phần tạo hình của diễn viên cũng như công nghệ sản xuất.

Giờ đây, các nhân vật trong phim truyền hình Việt xinh đẹp, sáng láng không kém gì những diễn viên ngoại quốc mà giới trẻ đang hâm mộ. Khi bộ phim “Tuổi thanh xuân” – bộ phim hợp tác với Hàn Quốc ra mắt khán giả, đã trở thành một cái tên hot không kém cạnh các sêri phim truyền hình Hàn Quốc chiếu cùng thời điểm.

Ngoài việc truyền thông rộng rãi, bài bản thì bộ phim thỏa mãn được mọi nhu cầu của khán giả trẻ như nhân vật có tính cách, ngoại hình ưa nhìn, bối cảnh đẹp và hơn hết, một chuyện tình lãng mạn nhưng cũng không ít sóng gió, dằn vặt. Những bộ phim dành cho giới trẻ thời gian gần đây luôn nhận được nhiều phản hồi tích cực nhờ lối kể chuyện dí dỏm, nhiều tình huống bất ngờ, bối cảnh phim đẹp với nhiều cảnh quay lãng mạn cùng sự tham gia của dàn diễn viên trẻ, ngoại hình bắt mắt.

Hầu hết các nhà làm phim đều cho rằng, làm phim về giới trẻ, cho giới trẻ tưởng dễ mà khó. Đó là những đối tượng khán giả khá quyết liệt trong suy nghĩ, hành động. Họ cũng đang ở lứa tuổi có nhiều đam mê, sở thích, vì thế, để thu hút họ ngồi xem phim thì buộc phim phải hấp dẫn, thú vị. Chưa kể, khán giả trẻ là những người nhanh nhạy trong việc cập nhật những xu hướng mới, trào lưu mới. Chính vì thế, những người làm phim cũng phải luôn luôn thay đổi thì mới có thể đáp ứng nhu cầu ngày một cao này.

Theo quan sát của những người làm nghề, xu hướng xem phim của khán giả trẻ có nhiều thay đổi. Thay vì theo dõi từng tập phát sóng trên truyền hình, đa phần trong số họ đều chọn cách xem trên mạng. Điều này khiến cho các nhà làm phim cũng đang dần thay đổi phương thức tiếp cận khán giả. Kế hoạch sản xuất những bộ phim phát hành trên mạng đã được triển khai thực hiện ngay trong tháng 5 này.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc tìm lại tình yêu của khán giả, nhưng phim truyền hình Việt vẫn còn những điều cần khắc phục. Đề tài giới trẻ vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho các tác giả khai thác, nhưng cho đến thời điểm này, kịch bản phim vẫn là điểm yếu. Không ngừng tìm kiếm những ý tưởng mới cho phim nhưng một số phim vẫn xoay quanh mô típ tình yêu tay ba, cặp đôi kiểu Lọ lem – hoàng tử…

Tính cách nhân vật còn na ná nhau, chưa thực sự có được những nhân vật ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Kịch bản phim còn nhàn nhạt, chưa có nhiều chi tiết đắt giá làm bật lên hình tượng nhân vật. Không ngừng nâng cao chất lượng những bộ phim để chinh phục khán giả trẻ cũng có nghĩa là xây dựng một thế hệ khán giả yêu và ủng hộ phim Việt.

Biên kịch Đặng Diệu Hương: Một sân chơi vừa thú vị, vừa áp lực

Với riêng khán giả trẻ, năm nào chúng tôi cũng ưu tiên để có ít nhất 2 – 3 phim. Làm phim về người trẻ hay lắm vì thường có diễn viên trẻ, đẹp và có rất nhiều thứ để khán giả đổi món. Tuy nhiên, đây là đối tượng khai thác khó mà dễ, dễ mà khó. Quan trọng là mình phải chọn vấn đề gì để khai thác: hướng nghiệp hay tình bạn, tình yêu. Cái khó nhất là phim phải có được không khí trẻ, là sức trẻ hừng hực và tiềm ẩn trong phim.

Như trước đây, khi chúng tôi làm “Phía trước là bầu trời”, mặc dù đó không phải là câu chuyện dày dặn, nhiều biến cố nhưng người xem rất xúc động vì người ta tìm thấy tuổi trẻ của mình ở đó. Gần đây phim được “đào mộ” lại, chúng tôi rất vui. Có một số bạn chia sẻ: “Ngày xưa vì xem phim này mà em quyết tâm thi đỗ đại học”…

Rõ ràng, khi làm phim chúng tôi không nghĩ nhiều đến tính giáo dục cũng như tác động của phim với khán giả, chỉ mong muốn cho khán giả được thưởng thức một bộ phim hay, có ý nghĩa. Nhưng sau này, qua những chia sẻ ấy mới thấy phim có một sự ảnh hưởng rất lớn đến khán giả trẻ. Phim mang đến ước mơ, khát vọng và ý chí vươn lên cho biết bao bạn trẻ. Điều đó khiến cho những người làm nghề chúng tôi thấy vui, thấy hứng khởi để tiếp tục hành trình của mình.

Phim “Đi qua mùa hạ” – một bộ phim về thanh niên nông thôn được nhiều khán giả yêu thích

Không phải chỉ giới trẻ mà khán giả bây giờ có nhiều sự lựa chọn hình thức giải trí. Làm thế nào để kéo khán giả về với mình trong bối cảnh nhiều cạnh tranh như vậy thì tiêu chí của chúng tôi là làm sao để họ cảm thấy chính họ, là tâm tư nguyện vọng của họ, là những gì họ đang cần trong mỗi bộ phim.

Phim phải có câu chuyện, tình huống được xử lý sao cho người xem thấy đây chính là thanh niên Việt Nam những năm này. Chúng tôi thường đùa với nhau là khán giả của chúng ta “quá thông minh và quá nguy hiểm”, vì thế mỗi người làm nghề phải cao tay hơn mới thu hút họ ngồi trước màn hình. Và không gì thuyết phục họ tốt hơn là đưa ra câu chuyện của chính họ.

Thực ra, bản thân tôi cho rằng, khi phim làm về giới trẻ chúng tôi chưa có ý định làm một nhân vật nào chứa đựng mọi tính cách của giới  trẻ hiện nay. Trước đây thì có thể là những thanh niên vượt khó vươn lên nhưng giờ đây là hình ảnh “soái ca”. Mà soái ca thì có nhiều quan niệm khác nhau. Có thể với bạn này soái ca là đẹp trai, bạn kia soái ca là con nhà giàu, chịu chơi…

Mỗi đối tượng khán giả, tiêu chí soái ca khác nhau. Tuy nhiên, có một mẫu số chung cho các nhân vật thanh niên thời đại hiện nay. Những nhân vật như Nam trong “Zippo, Mù tạt và em”, Duy trong “Chạm tay vào nỗi nhớ”… là nhân vật khá điển hình của thanh niên 9X: đẹp trai, thông mình, quyết liệt trong suy nghĩ và có một chút khác biệt trong tính cách. Nữ thì không cần phải quá hiền lành nhưng thông minh, cá tính, giỏi giang, tham gia các hoạt động xã hội nhưng vẫn ẩn chưa sự dịu dàng, nữ tính.

Trong quá trình làm phim về giới trẻ, thực ra không phải chúng tôi chỉ tập trung đề cập đến những thanh niên thành phố, con nhà giàu mà luôn cân đối để có những phim về thanh niên nông thôn. Và gần đây nhất là “Đi qua mùa hạ”. Phim được nhiều người yêu thích vì họ tìm thấy quãng thanh xuân vất vả, cực nhọc bươn chải của mình trong đó.

Nhưng rõ ràng, sức hút của những phim về nông thôn không mạnh như phim kia. Hơn nữa, với những bộ phim ấy thì có điểm chung là các nhân vật phải đương đầu với khó khăn, phải vật lộn với cuộc sống nên đôi khi bức tranh về người trẻ mất đi gam màu tươi sáng. Trong khi bản thân khán giả cũng muốn hướng đến sự rực rỡ, sự lạc quan, tươi đẹp.

Riêng về kịch bản phim trẻ một năm chúng tôi nhận được vài chục ý tưởng của các bạn trẻ gửi đến nhưng thường không sử dụng được nhiều. Vì các bạn ấy chỉ nhìn cuộc sống một chiều với một chút vốn sống và ký ức của mình. Nó không khái quát hóa, điển hình hóa được tâm tư của cả một lớp trẻ. Chúng tôi tìm thêm phương án là chuyển thể những tiểu thuyết được các độc giả trẻ yêu thích.

Hiện nay mạng xã hội giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc tương tác với khán giả. Điều này với chúng tôi là cực kỳ quan trọng vì chúng tôi biết khán giả ngày nay muốn gì, cần gì để đáp ứng. Chúng tôi hoàn toàn không bao giờ cho phép biên kịch đóng cửa, bịt tai trước dư luận, tự cho của mình là tốt. Dù chê đúng hay chê sai chúng tôi đều bình tĩnh đón nhận để hoặc là rút kinh nghiệm, hoặc là tiếp tục phát huy để sản phẩm của mình làm ra càng ngày càng tốt.

Vì lực lượng khán giả trẻ hiện nay “quá thông minh, quá nguy hiểm” nên để đáp ứng được yêu cầu của họ là điều không hề đơn giản. Chỉ cần đáp ứng không đúng tâm tư nguyện vọng và sự mong chờ của các bạn ấy sẽ có một cộng đồng lớn quay lưng và phản ứng dữ dội. Chính vì thế đây luôn là một sân chơi vừa áp lực vừa thú vị. Áp lực luôn luôn phải mới, phải hấp dẫn, thú vị. Bởi vậy, ngoài những bộ phim phát trên các kênh sóng thông thường, chúng tôi chú trọng hơn đến truyền hình số đáp ứng xu hướng thưởng thức phim mới của khán giả trẻ hiện nay.

Diễn viên Hồng Đăng: Mặc dù những nhân vật của tôi đều ở lứa tuổi thanh niên với những mối quan hệ giữa tình yêu, công việc nhưng tôi luôn cố gắng để mỗi vai diễn có được dấu ấn riêng. Nếu như Minh Quang trong “Cầu vồng tình yêu” là chàng trai lạnh lùng, si tình, kiên định trong chuyện tình cảm thì Khánh trong “Tuổi thanh xuân” lại là người đàn ông điềm đạm, nhẫn nại và đầy nam tính.

Còn Huy trong “Zippo, Mù tạt và em” lại thuộc mẫu nhân vật con nhà giàu, nổi tiếng hào hoa, ngang tàng, đa tình nhưng cũng rất chung thủy. Tình yêu của Huy dành cho Lam khiến khán giả rất thích thú vì sự mạnh mẽ, lý trí và hết lòng vì người yêu. Cộng đồng mạng gọi tôi là soái ca nhưng đó là soái ca trên phim chứ không phải ngoài đời.

Hơn nữa, tôi cũng không rõ soái ca bao gồm những tiêu chí nào. Những hình tượng đẹp như vậy có ở trên phim là để mọi người hướng đến. Mặc dù hay tham gia những bộ phim lãng mạn với những tình yêu đẹp, trong sáng có, éo le day dứt có nhưng con tôi là người khá thực tế và rạch ròi giữa phim ảnh với đời thực. Những cảnh tình tứ nếu có cũng chỉ là công việc. Quan trọng là mình tạo được niềm tin cho những người thân yêu của mình thì sẽ luôn nhận được sự ủng hộ, động viên của họ.

Dàn diễn viên trẻ đẹp trong “Zippo, Mù tạt và em”

Diễn viên Lã Thanh Huyền: Là diễn viên góp mặt trong cả phim nhựa và phim truyền hình, tôi luôn được các đạo diễn ưu ái giao cho những vai có khá nhiều đất diễn. Mỗi nhân vật đều mang đến cho tôi một bài học nào đó trong cuộc đời. Ví dụ như với vai Lam trong “Zippo, Mù tạt và em” là một vai diễn khá ấn tượng. Thay vì vẻ dịu dàng, nữ tính của những bộ phim trước đó, tôi đã chuyển sang hình ảnh cá tính, gai góc hơn.

Với nhân vật Lam, tôi nhìn thấy sự mạnh mẽ, thiên về nội tâm của cô ấy giấu trong vẻ ngoài ít nói. Từ nhân vật Lam, tôi học được tính cách chủ động trong cuộc sống, phải tự nắm bắt lấy cơ hội chứ không chờ ai đó đến giúp mình. Với tôi, tôi làm nghệ thuật vì đam mê chứ không phải vì sự hào nhoáng của nó. Đóng phim rất vất vả, không phải nghề có thể “cưỡi ngựa xem hoa”.

Muốn có được vai diễn thành công cũng phải đánh đổi bằng công sức, mồ hôi, nước mắt. Tôi không làm nghề cho vui mà đó là niềm đam mê nên tôi phải cố gắng hết sức để được đánh giá là một diễn viên thực thụ. Thông qua những nhân vật của mình, tôi cũng muốn gửi gắm thông điệp tới những người trẻ hãy năng động, tự tin vượt qua khó khăn để đạt được những ước mơ của mình.

Đạo diễn, NSƯT Trọng Trinh: Phim phải có được không khí trẻ

Thưa đạo diễn Trọng Trinh, là một đạo diễn của nhiều bộ phim được khán giả trẻ yêu thích như “Cầu vồng tình yêu”, “Tình yêu không hẹn trước”, “Zippo, Mù tạt và em”… tại sao anh lại gắn bó với dòng phim này khi tuổi đời cũng không còn trẻ?

-Nói thật những phim đầu tiên khi tôi chuyển sang làm đạo diễn lại rất “già”. Phim đầu tay là “Mưa dầm ngõ nhỏ”, tiếp đến là “Sân tranh”, “Sang sông” đều là những phim có mô típ rất truyền thống. Sau đó tôi làm phim hình sự.

Tôi làm nhiều đề tài khác nhau vì muốn thử sức mình. Nhưng bắt đầu từ bộ phim “Ban mai xanh”, đánh dấu sự gắn bó của tôi với dòng phim về những người trẻ. Càng làm, tôi càng thấy đề tài này gần và hợp với mình. Tuổi trẻ luôn có nhiều chuyện để khai thác như tình yêu, sự nghiệp, hoài bão… Sự hồn nhiên, thanh xuân của sức trẻ cũng rất cuốn hút. Khi làm những bộ phim này tôi thấy như mình như trẻ lại vì được sống lại thời tuổi trẻ của mình.

Làm phim cho giới trẻ ở lứa tuổi như anh, hẳn không phải là điều dễ dàng?

– Đúng vậy, tôi với diễn viên, với những nhân vật ở trong phim cách nhau cả một thế hệ. Khác nhau rất nhiều về suy nghĩ, quan niệm sống… Tôi làm phim trẻ để xem mình già đến đâu và cũng là để mình không bị già (cười). May là tôi có người đồng nghiệp trẻ rất ăn ý là đạo diễn Bùi Tiến Huy. Với mỗi phim hợp tác, Tiến Huy luôn thổi vào phim không khí thanh xuân, còn tôi bổ sung sự trải nghiệm.

Trước đây tôi cũng đau đáu vì nhiều chuyện, nặng nề khi có điều gì bất như ý xảy ra nhưng sau này tôi nhận thấy cứ thế mình sẽ thấy nặng nề, không làm được thứ gì khiến mình bay lên, cất lên được. Làm phim trẻ tôi thích lắm. Ở trường quay lúc nào đạo diễn với diễn viên gọi nhau bố bố con con, thầy trò rất vui.

Phim trẻ có ngôn ngữ riêng. Lớp trẻ ngày nay có những cách thể hiện rất khác các thế hệ trước đây. Vừa rồi tôi ngồi lớp casting cho một dự án phim. Các bạn trẻ diễn hồn nhiên, tự tin như cây cỏ. Không lệ thuộc vào bất kỳ một khuôn phép nào. Từ diễn xuất hồn nhiên ấy, tôi chỉ thị phạm về những trải nghiệm của cảm xúc. Tôi thường nói với các bạn ấy là không phải các em làm cho em, cho nhân vật mà đặc biệt là cho khán giả. Phải diễn thế nào để người ta tin vào câu chuyện mình kể.

 Theo anh, điều gì quan trọng nhất khi làm phim về giới trẻ, cho giới trẻ?

– Theo tôi, chính là việc phải mang được một không khí trẻ thật sự vào trong phim. Tôi xuất phát từ diễn viên nên rất quan trọng sự chân thực của cảm xúc dù trong từng hành động nhỏ. Muốn khán giả trẻ tin là câu chuyện dành cho họ thì phải có được những điều họ cần: diễn viên trẻ đẹp, ăn mặc thời trang, diễn xuất sinh động, hình ảnh trong phim đẹp, lãng mạn…

Thế hệ trẻ hiện nay sống trong thế giới phẳng nên ngôn ngữ yêu của họ cũng có biểu hiện khác. Chính vì thế tôi luôn lắng nghe các bạn ấy để có cách kể câu chuyện tình yêu phù hợp, thú vị.

Anh có lo lắng về nguồn kịch bản phim dành cho giới trẻ hiện nay không?

-Kịch bản về giới trẻ hiện nay không ít nhưng để đảm bảo chất lượng cũng như số tập phát sóng không phải là chuyện đơn giản. Có những kịch bản có chuyện nhưng tác giả không trường sức để đáp ứng đủ số tập yêu cầu. Nhiều kịch bản còn nhạt và không có “duyên”, thông điệp không rõ nét.

Một điều đáng mừng là với những kịch bản phim về giới trẻ thì người trải nghiệm hay người trẻ đều có thể viết được nhưng chất lượng thế nào còn là điều đáng bàn. Và có một điều mà nhiều người viết hay mắc phải là hay mang đến những câu chuyện quá quen thuộc hoặc bị bó cứng vào một khuôn mẫu. Rõ ràng, với dòng phim này, dễ viết nhưng viết hay được thì không đơn giản.

Thế còn nỗi lo ngại về sự vắng bóng những nhân vật thanh niên thời đại trong các phim về giới trẻ hiện nay, thưa anh?

– Nếu cho bạn kể câu chuyện về thanh niên tiêu biểu hiện nay thì có lẽ không chỉ là một chàng thanh niên khoác áo xanh tình nguyện hay một sinh viên nhà nghèo vượt khó học giỏi. Mọi câu chuyện, vấn đề của người trẻ phải được lồng ghép khéo léo trong cốt truyện. Dù nhân vật ấy làm gì, xuất thân như thế nào nhưng cứ chung chung sẽ rất nhạt nhẽo. Chính vì thế, mặc dù làm nhiều phim về giới trẻ nhưng mỗi phim tôi luôn cố gắng để làm khác đi. Mỗi nhân vật cũng phải luôn có tính cách riêng.

Ai cũng biết là với tuổi trẻ thì mô típ chung là giàu hoài bão, vượt khó, vấp ngã, thành công nhưng ở mỗi bộ phim phải là một câu chuyện cụ thể với những nhân vật cụ thể và sự nỗ lực để đạt tới ước mơ cũng rất khác nhau. Điều này phụ thuộc vào tài năng của tác giả kịch bản và đạo diễn. Xây dựng tính cách cho nhân vật là điều tôi quan trọng hàng đầu. Không thể thuyết phục khán giả khi tạo nên những nhân vật thanh niên na ná nhau, trung tính, lập lờ mà họ phải quyết liệt, nhất quán trong suy nghĩ, hành động.

 Xin cảm ơn đạo diễn!

Theo Công an nhân dân

Từ khóa : điện ảnhgiới trẻkịch bảnphim truyền hìnhtruyền hình

Các tin liên quan đến bài viết