Liệu Triều Tiên có tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa của mình? Cuộc khẩu chiến Mỹ-Triều liệu có giới hạn? Hoặc có thể có một cơ hội mỏng manh cho một quá trình ngoại giao nào đó đang được duy trì?
Phản ứng đầu tiên của Triều Tiên
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan ngày 25.5 tuyên bố, Bình Nhưỡng vẫn sẵn sàng đàm phán với Mỹ, đáp lại quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hãng thông tấn trung ương của Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Kim Kye-gwan: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận trực tiếp với Mỹ và giải quyết các vấn đề bất cứ khi nào và bằng bất cứ cách nào”.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng nhấn mạnh, quyết định đơn phương hủy cuộc gặp sắp tới của Mỹ cho thấy tình trạng thù địch giữa Triều Tiên và Mỹ rất nghiêm trọng, vì vậy cần sớm có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước
Trump viết gì trong thư?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24.5 viết thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, thông báo “hủy” cuộc gặp thượng đỉnh song phương dự kiến diễn ra ngày 12.6 tới ở Singapore.
“Thưa Ngài Chủ tịch,
Chúng tôi đánh giá cao thời gian, sự kiên nhẫn và nỗ lực của ngài về các cuộc thương thảo gần đây của chúng ta liên quan tới một hội nghị thượng đỉnh mà đôi bên mong mỏi, dự kiến sẽ diễn ra ngày 12.6 ở Singapore. Chúng tôi nhận được thông tin rằng cuộc gặp do phía Bắc Hàn đề nghị, nhưng điều đó, theo chúng tôi, là hoàn toàn không thỏa đáng. Tôi rất mong chờ tới đó với ngài. Thật đáng buồn, vì sự giận dữ khủng khiếp và thù nghịch công khai thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của ngài, tôi cảm thấy rằng lúc này không phù hợp để tổ chức cuộc gặp đã mất nhiều thời gian hoạch định này. Do đó, vì lợi ích của hai quốc gia nhưng lại gây tổn hại cho thế giới, lá thư này cho biết rằng hội nghị thượng đỉnh Singapore sẽ không diễn ra. Ngài nói về khả năng hạt nhân của nước ngài, nhưng [năng lực] của chúng tôi cũng thực sự lớn và mạnh tới mức tôi cầu Thượng đế rằng chúng sẽ không bao giờ được sử dụng. Tôi đã cảm thấy rằng một sự đối thoại tuyệt vời đã hình thành giữa tôi và ngài, và rốt cuộc, chỉ có đối thoại mới quan trọng. Một ngày nào đó, tôi mong gặp ngài. Giờ tôi muốn cảm ơn ngài vì đã thả các con tin nay đã về với gia đình của họ. Đó là một cử chỉ đẹp và được trân trọng. Nếu ngài đổi ý về cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng nhất này, xin đừng chần chừ gọi điện thoại hoặc viết thư cho tôi. Thế giới, và đặc biệt là Bắc Hàn, đã mất đi một cơ hội lớn dẫn tới hòa bình và thịnh vượng lâu dài. Cơ hội bị bỏ lỡ này là một thời khắc hết sức đáng buồn trong lịch sử. Trân trọng, Donald J. Trump |
Nguyên nhân vì sao?
Tổng thống Trump quyết định rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng gọi phó tổng thống Mỹ Mike Pence là “kẻ ngu ngốc”.
Phát biểu ngay sau khi quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24.5 cho biết quyết định được đưa ra sau khi ông đã bàn bạc kỹ lưỡng cùng Lầu Năm Góc và các đồng minh của Mỹ.
Phó Tổng thống Mike Pence.
Tổng thống Trump xác nhận việc ông huỷ cuộc gặp với Kim Jong Un nguyên nhân xuất phát từ phát biểu mới đây của lãnh đạo Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã gọi phó tổng thống Mỹ Mike Pence là “bù nhìn chính trị”. Theo CNN, việc Triều Tiên công kích cụ thể vào cá nhân phó tổng thống Pence khiến ông Trump cùng các trợ lý rất tức giận và muốn trả đũa mạnh tay.
Ông Trump coi đây là bước lùi lớn đối với Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ cho biết cả Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ sẵn sàng sát cánh để đối phó các hành động “ngu ngốc và liều lĩnh” của Triều Tiên, mà còn sẵn sàng chia sẻ gánh nặng tài chính với Washington trong trường hợp biện pháp quân sự được sử dụng.
Hàn Quốc họp khẩn trong đêm
Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tổ chức họp khẩn trong đêm để kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đàm phán trực tiếp.
Cuộc họp khẩn trong đêm diễn ra tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc với sự tham gia của các bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Thống nhất và Bộ Quốc phòng, cùng với Cố vấn an ninh hàng đầu Chung Eui-yong và Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Im Jong-seok
Phát biểu trong cuộc họp khẩn với các quan chức an ninh hàng đầu tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in nêu rõ: “Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình lâu dài là những nhiệm vụ lịch sử không thể bị bỏ qua hoặc trì hoãn. Tôi vô cùng bối rối và lấy làm tiếc khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ không diễn ra vào ngày 12.6 theo kế hoạch”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres cũng lập tức bày tỏ “quan ngại sâu sắc vì quyết định hủy bỏ cuộc gặp đã được lên kế hoạch tại Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”. Phát biểu tại một sự kiện ở Đại học Geneva, Thụy Sĩ, ông Guterres cũng kêu gọi “các bên tiếp tục đối thoại để tìm ra một con đường dẫn tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình và có thể kiểm chứng”.
Ngoại giao trong tình trạng lộn xộn
(Phân tích của Jonathan Marcus, BBC)
Chính quyền Trump nhấn mạnh rằng Triều Tiên đã không đáp ứng đầy đủ trong việc chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh, tạo ra những hồ nghi về kết quả tích cực của cuộc gặp.
Câu hỏi lớn là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Chắc chắn một cuộc khẩu chiến qua lại giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ xảy ra tiếp sau đây, gây ra những lo ngại nghiêm trọng về một cuộc xung đột mới trên bán đảo Triều Tiên.
Liệu Triều Tiên có tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa của mình? Cuộc chiến tranh ngôn từ liệu có giới hạn? Hoặc có thể có một cơ hội mỏng manh cho một quá trình ngoại giao nào đó đang được duy trì?
Và cuối cùng, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc liệu có trở nên nguội lạnh do hệ quả từ những căng thẳng ngày càng tăng giữa Bình Nhưỡng và Washington hay không?
Quân đội Mỹ không tăng cường cảnh giác
Ngày 24.5, Lầu Năm Góc thông báo quân đội Mỹ không tăng cường trạng thái cảnh giác với Triều Tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, cho biết, “Chúng tôi luôn duy trì tình trạng cảnh giác cao bởi họ đã được chứng thực là không thể đoán trước được trong quá khứ”. Tuy nhiên, ông Kenneth Mckenzie cũng khẳng định đây chỉ là sự cảnh giác thông thường mà quân đội Mỹ duy trì chứ không phải được tăng cường.
Theo Dân việt