Đại diện Bộ Tài chính cho biết, tại cuộc hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường, một chuyên gia nhận định, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000 – 20.000 đồng/lít.
Bà Nguyễn Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế.
Ngày 11/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Trao đổi về dự thảo Nghị quyết này, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, lý do Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế đó là tại Luật thuế bảo vệ môi trường đã quy định nguyên tắc xác định và xây dựng mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, mức thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ và mức thuế đối với hàng hoá chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hoá.
Bà Hằng cũng dẫn các nghiên cứu cho thấy, mặt hàng xăng dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số phụ gia…
“Đây là những chất gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường. Hơn nữa, cũng theo tính toán của một số nhà khoa học để hoàn trả lại môi trường thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường phải ở mức cao hơn”, bà cho biết.
Để minh chứng cho nhận định trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tại cuộc hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường do Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tổ chức năm 2017, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã nhận định: “Nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả (với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ) thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000-20.000 đồng/lít”.
“Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông, trong đó đề xuất tăng kịch khung thuế đối với xăng dầu, dung dịch HCFC và túi ni lông”, bà Hằng cho biết.
Cũng theo bà Hằng, Bộ Tài chính đã nhận được 77 ý kiến tham gia, cơ bản các ý kiến đều đồng thuận, trong đó có 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn. Một số có ý kiến khác, Bộ Tài chính đã nghiên cứu tiếp thu giải trình và hoàn thiện lại dự án Nghị quyết.
Dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đã được Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp cho ý kiến. Trên cơ sở giải trình tiếp thu ý kiến, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và sau khi nhận được ý kiến đồng ý thông qua của hầu hết các Thành viên Chính phủ (19/23 ý kiến), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, thông qua dự án.
Đánh giá về tác động, đại diện Bộ Tài chính cho biết, với phương án đề xuất của Chính phủ, Bộ Tài chính tính toán việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động CPI năm 2018 khoảng 0,11-0,15%.
Theo Dân Trí