Ngày 23-5, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS (Sở Y tế TP.HCM) phối hợp với Bệnh viện Nhiệt Đới tổ chức hội thảo khoa học về hiệu quả điều trị thuốc ARV trong dự phòng lây nhiễm HIV “không phát hiện – không lây truyền” K=K.
Phát biểu tại hội thảo, ThS.BS Võ Thị Tuyết Nhung – phó giám đốc Tổ chức hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) – cho biết hiện nay khu vực TP.HCM và 7 tỉnh lân cận gồm Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai đang trở thành gánh nặng về HIV/AIDS của cả nước.
Gánh nặng HIV/AIDS
“Gánh nặng” này được thể hiện qua tổng số người nhiễm HIV ước tính của khu vực gần 71.000 người (cả nước có khoảng 200.000 người nhiễm).
Trong đó, số người còn sống, được quản lý gần 55.000 người (chiếm 28% cả nước), số bệnh nhân đang điều trị trên 44.000 người (chiếm 35% cả nước).
Bên cạnh đó, thực trạng liên kết chuyển gửi bệnh nhân nhiễm HIV từ các phòng khám trong vùng chưa cao. Cứ sau mỗi lần chuyển, tỉ lệ bệnh nhân “mất dấu” lại khá cao, đặc biệt tỉ lệ “mất dấu” từ các phòng khám ở TP.HCM đến các tỉnh chiếm 38 – 55%.
“Ngoài việc triển khai xét nghiệm chẩn đoán HIV bằng phương pháp 3 test nhanh, cần đẩy mạnh loại hình tự xét nghiệm sàng lọc, các chương trình giảm kỳ thị phân biệt đối xử” – ThS.BS Tuyết Nhung nói.
Nhiễm HIV không phải là chấm hết!
Trước thực trạng nêu trên, BS Nguyễn Hoàng Nam, tổ chức kiểm soát và dự phòng dịch bệnh Hoa Kỳ tại TP.HCM (gọi tắt CDC) cho biết, dự phòng bằng thuốc ARV (viết tắt của Antiretrovaral, một loại thuốc làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể) được xem là can thiệp hữu hiệu nhất hiện nay được Bộ Y tế khuyến khích sử dụng cho người trước phơi nhiễm và nhiễm HIV.
“Đối với người chưa nhiễm HIV hoặc có nguy cơ phơi nhiễm HIV qua tiêm chích, tình dục chỉ cần uống mỗi ngày 1 viên ARV sẽ ngăn ngừa lây nhiễm HIV.
Với trường hợp nhiễm HIV việc uống thuốc nhằm chặn nguy cơ nhân lên và lây lan khắp cơ thể của virus HIV, đồng thời ngừa nhiễm HIV cho bạn tình khi quan hệ” – BS Nam nói.
TS John Blandford – giám đốc chương trình CDC Việt Nam cho rằng điều trị ARV đạt được ức chế virus, tức phải đạt dưới ngưỡng phát hiện là 200 bản sao/ml.
“Qua ba nghiên cứu mới đây với hàng ngàn cặp bạn tình và hàng ngàn hành vi tình dục không sử dụng bao cao su hoặc dự phòng tiền phơi nhiễm HIV (PreP) không có trường hợp nào lây truyền sang bạn tình khi bản thân dương tính HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng” – TS John Blandford khẳng định.
Theo TS John Blandford, người nhiễm HIV sẽ mất khoảng 6 tháng để đạt được tải lượng vi rút không phát hiện.
“Điều này có nghĩa là người nhiễm HIV uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ để đạt và duy trì tải lượng virus không phát hiện thì sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục” – TS John Blandford nói.
Đại diện Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TP cho biết việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) từ lâu được coi như một biện pháp dự phòng bổ sung cho nhóm người có nguy cơ cao gặp khó khăn trong việc sử dụng các biện pháp dự phòng truyền thống.
Tính đến cuối tháng 3-2018, có gần 33.000 người sử dụng thuốc dự phòng ARV. “Ngoài việc tăng khả năng điều trị cho người bệnh, nhân viên y tế có thời gian hơn cho việc chăm sóc những bệnh nhân nặng, đồng thời giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh” – đại diện này cho biết.
Theo Trung tâm vừa qua đơn vị thí điểm phát thuốc 3 tháng/lần cho người bệnh và kế hoạch tháng 6-2018 sẽ triển khai đồng loạt trên địa bàn TP.
Nhiễm HIV qua đường tình dục gia tăng
Bác sĩ Võ Văn Tâm – khoa Y tế Công cộng (Đại học Y Dược TP.HCM) – cho biết, tình hình nhiễm HIV còn đang diễn biến phức tạp.
Về hình thức nhiễm, nếu như năm 2011 chủ yếu nhiễm qua đường máu thì từ năm 2013 có sự thay đổi hình thức. Tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS qua đường máu giảm mạnh, chủ yếu tập trung thông qua đường tình dục, chiếm tới 56%.
Nguồn: tuoitre.vn