Việc một số nhà tài trợ đặt tên theo ý mình cho các cây cầu đã xây dựng tại các tỉnh miền Tây khiến nhiều người thắc mắc việc đặt tên cầu như vậy có phù hợp với quy định pháp luật?
Được đặt tên cầu theo ý nhà tài trợ?
Cầu Dr Thanh – Thanh Sơn (Thanh Hòa, Cai Lậy, Tiền Giang) 

Theo các chuyên gia pháp lý, pháp luật hiện nay quy định khá cụ thể về việc đặt tên cầu, đường, công trình công cộng. Việc nhà tài trợ xây cầu có ý nghĩa nhân văn, góp phần giúp người dân đi lại thuận tiện nhưng tự ý đặt tên cầu thì cần xem xét nhiều yếu tố.

Đặt tên theo ý 
nhà tài trợ
Cuối năm 2015, một số người dân ở xã Thanh Hòa, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tỏ ra không đồng tình khi cây cầu bắc qua kênh Mới sẽ được đặt tên là cầu “Dr Thanh – Thanh Sơn”. Ông Nguyễn Văn Đấu, chủ tịch UBND xã Thanh Hòa, giải thích sở dĩ cây cầu dự kiến đặt tên như vậy là do Tập đoàn Number One (Công ty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát) tài trợ. Trong khi đó người dân ở đây cho rằng nên giữ lại tên cũ là cầu Kinh Mới vì tên gọi này tồn tại đã lâu, còn việc tri ân nhà tài trợ có thể để một tấm bảng tại cầu. Chuyện nhà tài trợ xây cầu muốn đặt tên theo ý mình cũng diễn ra ở nhiều nơi. Cuối tháng 11-2016, người dân ở xã Mỹ Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An bức xúc khi một doanh nghiệp sau khi tài trợ xây mới đã đổi tên cầu Kênh Tắt thành cầu Ông Mười Út (tên của cha người tài trợ). Người dân cho rằng tên cầu Kênh Tắt đã tồn tại mấy chục năm, nếu muốn đổi tên khác phải có sự đồng ý của những người lớn tuổi, cán bộ địa phương. Sự việc đã được báo cáo cho UBND huyện Thủ Thừa để điều chỉnh.
Quy định đặt tên công trình công cộng ra sao?
Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc nhà tài trợ yêu cầu đặt tên theo ý mình là không đúng quy định pháp luật. Theo luật sư Lê Trung Phát, cầu được xác định là công trình công cộng, do đó việc đặt tên cũng phải tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại điều 10 của quy chế ban hành kèm nghị định 91/2005. Việc đặt tên cầu (công trình công cộng) không thể tùy tiện, mà phải lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn về lịch sử, văn hóa… trước khi quyết định. Trường hợp trong hợp đồng tài trợ nhà tài trợ yêu cầu lấy tên mình đặt tên cầu sẽ khó được chấp thuận, vì tên gọi không đáp ứng các điều kiện đặt ra.Đối với các công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng thì HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xem xét việc đặt tên sau khi nhận được đệ trình của UBND tỉnh. Lưu ý trước khi trình UBND tỉnh cũng lấy ý kiến từ hội đồng tư vấn và công khai việc dự kiến đặt tên để người dân tham gia góp ý. Còn với các công trình công cộng ở đô thị đặc biệt phải lấy ý kiến Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch trước khi trình HĐND. Với các công trình công cộng khác, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ quyết định việc đặt tên hoặc ủy quyền cho UBND thành phố trực thuộc tỉnh, UBND quận, huyện, thị xã quyết định. Trường hợp này cũng phải lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn về lịch sử, văn hóa, các tổ chức Đảng, chính quyền, các nhà nghiên cứu… trước khi quyết định.Trong khi đó, ông Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) cho rằng theo nghị định 91/2005, việc đặt tên cho những địa danh công cộng phải thỏa mãn các điều kiện như tên địa danh phải nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử – văn hóa của đất nước hoặc địa phương…;Tên danh nhân phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước….Đối chiếu với quy định trên, việc các cá nhân, tổ chức tự ý lấy tên riêng của mình hoặc tổ chức mình đặt cho các địa danh công cộng, công trình công cộng khi chưa nhận được sự đồng tình của cộng đồng, nhất là sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, là trái quy định pháp luật. Việc lấy tên mình đặt tên các cây cầu phần nào giảm đi ý nghĩa về tính nhân đạo, nhân văn của việc làm này. Dư luận sẽ đặt câu hỏi về sự vô tư, trong sáng của các cá nhân trong việc giúp đỡ người dân xây dựng cầu. Đặc biệt khi người đó là một doanh nhân và nhãn hiệu là một sản phẩm thương mại đang có mặt trên thị trường.

Được đặt tên cầu theo ý nhà tài trợ?
Cầu Ông Mười Út (đặt tên theo tên cha của nhà tài trợ) tại xã Mỹ Thạnh, Thủ Thừa, Long An 

Được đặt tên 
cho công trình nhỏ?

Thực tế ở nhiều nơi, người dân đi lại khó khăn do địa phương thiếu kinh phí xây cầu. Vì vậy, việc cá nhân hoặc doanh nghiệp đứng ra tài trợ xây cầu và công trình công cộng là đáng hoan nghênh. Một số bạn đọc cho rằng cá nhân hoặc doanh nghiệp đã bỏ kinh phí xây cầu thì có quyền yêu cầu được đặt tên tri ân. Việc này phần nào thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội “mặn mà” với việc xây cầu từ thiện hơn.Theo các chuyên gia pháp lý, dù khuyến khích việc tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong việc đóng góp vào sự phát triển hạ tầng nhưng không có nghĩa là phải đáp ứng những yêu cầu không phù hợp (trong đó có việc đổi tên đường, cầu… thành tên của cá nhân, đơn vị tài trợ). Việc này vừa đi trái với tiêu chí làm việc thiện, vừa không phù hợp với quy định pháp luật đã ban hành. Luật sư Phát đề xuất nhằm bảo đảm tính gắn bó lâu đời của công trình trong tâm trí người dân địa phương thì khi xây cầu, làm đường nên giữ nguyên tên cầu đường. “Chỉ cần gắn thêm biển hiệu của nhà tài trợ vào cầu để người dân biết được cầu này được ai xây, nó giống như các công trình được xây dựng, hợp tác từ nguồn vốn của nước ngoài” – luật sư Phát nói. Còn luật sư Trương Xuân Tám đề xuất có thể vận dụng các quy định về việc đặt tên cầu, đường, công trình công cộng ở đô thị để đặt tên đường ở nông thôn. Theo đó, không được tùy tiện đổi tên đường, cầu cống đã gắn liền với lịch sử lâu đời của từng địa phương, vùng đất. Đối với đơn vị tài trợ xây cầu, có thể lấy tên của cơ sở, hãng sản xuất của mình để đặt tên cầu. Việc đặt tên này áp dụng với những cây cầu quy mô nhỏ, chưa có tên hoặc tên không gắn liền với lịch sử, truyền thống lâu đời. Hoặc cũng có thể để tên mới, phía dưới ghi lại tên cũ để người dân dễ nhận biết.

Chưa có quy định xử lý: Các chuyên gia pháp lý lưu ý pháp luật hiện chưa quy định về xử lý việc vi phạm khi đặt tên các cây cầu, công trình công cộng. Trường hợp tên cầu, đường và công trình công cộng bị đặt tên tùy tiện, cơ quan chức năng mà cụ thể là hội đồng tư vấn (do Sở Văn hóa – thể thao làm cơ quan thường trực, UBND tỉnh thành lập) nên cân nhắc áp dụng việc xử lý phù hợp, đối chiếu các quy định pháp luật về việc đặt tên cầu, đường để sửa đổi phù hợp.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : công trình công cộngdoanh nghiệpnhà tài trợ

Các tin liên quan đến bài viết