Báo cáo chi tiêu quân sự toàn cầu đánh giá căng thẳng với Trung Quốc đã khiến các nước ở châu Á chi bộn tiền sắm sửa vũ khí trong năm 2017, với việc Ấn Độ lọt vào “tốp” 5 nước có chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới.
Ngày 2-5, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố danh sách thống kê chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2017. Theo đó, tổng chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2017 vượt 1,73 ngàn tỉ USD, tăng 1,1% so với năm 2016.
Đáng chú ý, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ đã tăng 5,5% lên tới 63,9 tỉ USD trong năm 2017. Con số này đã đưa Ấn Độ vượt mặt Pháp và lọt vào “tốp” 5 các quốc gia có chi tiêu quân sự nhiều nhất toàn cầu.
Bốn quốc gia còn lại trong “tốp” 5 chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Ả Rập Saudi và Nga.
“Chính phủ Ấn Độ đã lên kế hoạch mở rộng, hiện đại hóa và nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng vũ trang nước này. Động cơ một phần là do căng thẳng với Trung Quốc và Pakistan” – báo cáo của SIPRI đánh giá.
Chi tiêu quân sự của Mỹ và Trung Quốc trong năm 2017 lần lượt là 610 tỉ USD và 228 tỉ USD. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc nhiều gấp 3,6 lần Ấn Độ. Ấn Độ là nước có chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai khu vực.
Tuy nhiên, ông Adam Ni, một nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc, cho rằng việc tăng chi tiêu quân sự của Ấn Độ vẫn chưa đủ lớn để đối đầu Trung Quốc. Theo vị chuyên gia, công bố chi tiêu quốc phòng từ Trung Quốc bị các chuyên gia đánh giá là “được giảm đi” so với thực tế.
Trong khi đó, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng (45,4 tỉ USD), đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp nước này tăng chi tiêu quốc phòng.
“Mối đe dọa nhận thấy được từ Trung Quốc và Triều Tiên vẫn là các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới chiến lược an ninh của Nhật Bản” – phía SIPRI nhận xét.
SIPRI đánh giá cán cân chi tiêu quốc phòng “rõ ràng đang nghiêng” về khu vực châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông, góp phần chủ yếu là bởi các nước chi bộn tiền như Trung Quốc, Ấn Độ và Ả Rập Saudi.
Nguồn: tuoitre.vn