Chú chó khoa học Laika (Nga)
Laika là một con chó của Nga (sinh khoảng năm 1954 – mất ngày 3/11/1957), thuộc giống cái, có sức khỏe cực tốt. Đây là sinh vật đầu tiên được đưa lên vũ trụ, bay vòng quanh Trái Đất và cũng là động vật đầu tiên hy sinh trên quỹ đạo.
Laika đã trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt với hai chú chó khác và đã được chọn đưa lên tàu Sputnik 2 bay lên quỹ đạo vào ngày 3/11/1957. Con tàu Sputnik 2 đã không được thiết kế cơ cấu chống cháy và hạ cánh để thu hồi về Trái Đất, vì thế Laika đã được dự tính trước sẽ chết trên chuyến bay. Laika qua đời vài giờ sau khi tàu vũ trụ rời bệ phóng. Tuy nhiên, nhờ thử nghiệm này đã chứng minh là con người có thể tồn tại được trên quỹ đạo và chịu đựng được tình trạng không trọng lượng. Nó đã mở đường cho những chuyến bay của con người vào không gian sau này.
Cái chết của Laika đã mở đường cho sự sống trên vũ trụ của “cặp vợ chồng” chó Belka và Strelka. Chó đực Strelka và chó cái Belka được Cơ quan hàng không vũ trụ Liên Xô phóng lên không gian ngày 19/8/1960 bởi tên lửa đẩy R-7 mang vệ tinh Sputnik 5. Ngày 20/8/1960, Sputnik-5 hạ cánh nhẹ nhàng bằng dù trên thảo nguyên gần Baikonur (Kazakhstan). Cả Strelka và Belka đều khỏe mạnh, an toàn, cũng nổi tiếng không kém Laika khi được quay phim tài liệu, phim hoạt hình, lên tem, giao lưu với học sinh… Vài tháng sau đó, Belka và Strelka đã sinh được 6 con chó con khỏe mạnh. Lãnh tụ Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchyov đã chọn một con đẹp nhất là Pushinka gửi tặng Caroline Kennedy, con gái của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.
Vào ngày 11/04/2008, một tượng đài tưởng niệm Laika đã được khánh thành tại Viện y học quân sự ở thủ đô Moscow, nơi đã chuẩn bị cho chuyến bay của Laika. Tượng đài mô phỏng Laika đứng trên một bệ phóng tên lửa.
Chú chó nghệ sĩ Uggie (Mỹ)
Uggie thuộc nòi Jack Russell, từng tham gia rất nhiều bộ phim như What’s up scarlett, Wassup rockers (2005), Mr. Fix It (2006)… nhưng được yêu mến và nổi tiếng qua phim The artist (đoạt 5 giải Oscar lần thứ 84, cũng như giải BAFTA, César, Cannes).
Trước khi nổi tiếng, Uggie đã trải qua hai đời chủ, phải sống những tháng ngày buồn tủi trong trại trú ẩn dành cho động vật. Sau đó, Uggie được Omar Von Muller cứu thoát, rồi nổi lên như một ngôi sao trong những chú chó tại trại huấn luyện ở Los Angeles vì đáng yêu và khả năng diễn xuất. Uggie có năng khiếu điện ảnh bẩm sinh nên ở phần thử vai các phim vừa nêu, đã làm tốt những trò như giả chết, trượt ván, buồn, diễn xiếc. Sự dễ thương và thông minh đã giúp Uggie chinh phục nhà làm phim. Với sự thể hiện xuất sắc trong bộ phim The artist, Uggie đã được trao giải Palm Dog tại Liên hoan phim Cannes 2011 và giải Vòng cổ vàng (Golden Collar – dành cho những chú chó xuất sắc nhất trong phim) được trao lần đầu vào năm 2011 ở Los Angeles. Ngày 25/6/2012, chú chó Uggie đã được lưu dấu chân trước nhà hát Grauman nổi tiếng ở Hollywood. Đây là lần đầu tiên có một “diễn viên bốn chân” nhận được vinh dự này. Tháng 10/2012, Uggie đã “ra mắt” cuốn tự truyện đặc biệt với tên gọi Uggie: My Story với sự trợ giúp của nhà văn Anh Wendy Holden. Đông đảo người hâm mộ đã xếp hàng hàng giờ để được gặp Uggie “ký” tặng sách. Vào tháng 8/2015, Uggie đã qua đời ở tuổi 13 ở nhà riêng tại Los Angeles, Mỹ.
Được biết, trước Uggie, chú chó mang tên Rin Tin Tin (Rinty) sống thập niên 1920 nổi tiếng không kém gì, khi đã cứu sống hãng Warner Bros bằng nhiều bộ phim ăn khách. Rin Tin Tin vinh dự là con thú đầu tiên được gắn ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood.
Chú chó quốc dân Hachiko (Nhật Bản)
Hachiko (tên thân mật là Hachi) là một chú chó giống Akita sinh ngày 10/11/1923 tại thành phố Odate, tỉnh Akita và chết ngày 8/3/1935 tại quận Shibuya, thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Hachiko nổi tiếng khắp Nhật Bản và truyền đi toàn thế giới do trung thành với chủ ngay cả sau khi người chủ đã qua đời nhiều năm.
Năm 1924, giáo sư Hidesaburo Ueno thuộc khoa nông nghiệp trường Đại học Tokyo đã mua Hachi. Mỗi buổi sáng, Hachiko theo tiễn chủ tới tận nhà ga Shibuya nơi ông chủ đi tới nơi làm việc và chờ đón ông tại đó đến khi ông trở về vào cuối ngày. Cho đến một ngày định mệnh vào tháng 5/1925, khi Ueno bị nhồi máu đột ngột và chết ngay tại nơi làm việc. Những ngày sau đó, Hachi vẫn tới nhà ga để chờ đón ông chủ. Tổng cộng Hachi đã chờ chủ mình mất 9 năm 9 tháng và 15 ngày cho đến khi qua đời. Xác Hachiko đã được nhồi bông và bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia về Thiên Nhiên và Khoa học Nhật Bản thuộc quận Ueno, Tokyo.
Pho tượng đồng Hachikō đầu tiên – tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng Nhật Bản Ando Teru – được dựng vào tháng 4/1934 tại nhà ga ở Shibuya nhưng sau đó bị dỡ đi vì lý do chiến tranh. Tháng 8/1948, pho tượng thay thế mới ra mắt và đặt ở vị trí cũ, lần này do nhà điêu khắc Ando Takeshi (con trai của Ando Teru) thực hiện. Ngày nay, pho tượng này đặt ở cửa bắc ga Shibuya, người dân quen gọi là “cửa Hachiko” – một trong năm cửa chính của nhà ga.
Năm 1994, Đài phát thanh CBN Nhật Bản đã cho phát một bản ghi âm cũ tiếng sủa của Hachiko. Năm 2004, Hachiko trở thành nhân vật trong một cuốn truyện ăn khách dành cho thiếu nhi tại Nhật Bản. Năm 2009, hãng Stage 6 của Mỹ đã sản xuất một bộ phim phỏng theo phim về Hachiko của Nhật Bản năm 1987, mang tên Hachi: A Dog’s Tale.