Giáo viên chúng tôi đã bị tước hết quyền một cách vô hình, ngay cả quyền được cho học sinh lưu ban cũng không có.
Đọc bài Đến khi nào tôi mới được cho học sinh lưu ban? của tác giả Ngọc Liên, tôi như thấy bóng dáng của tôi và đồng nghiệp của tôi trong đó.
Theo tôi, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc không để học sinh lưu ban trong một thời gian dài chính là căn bệnh thành tích.
Vào đầu năm học, Ban giám hiệu đưa ra những chỉ tiêu bao gồm những con số biết nói. Ví dụ như lớp 35 học sinh thì chỉ có một học sinh được xếp loại yếu, còn lại giáo viên nào để quá hai em yếu thì đã không hoàn thành chỉ tiêu đăng kí của nhà trường với Phòng Giao dục.
Mà một giáo viên không hoàn thành chỉ tiêu sẽ kéo theo các bộ môn khác và các giáo viên khác liên quan, phá vỡ chỉ tiêu của toàn trường. Tôi không hiểu quy định phi lí này từ đâu ra và bây giờ nó trở nên nghiễm nhiên như vậy?
Với những quy định trên, giáo viên chúng tôi như rơi vào “ma trận” của những con số đầu năm cấp trên đưa xuống. Khổ nỗi thực tế giảng dạy không như mơ ước.
Trăn trở và băn khoăn nhiều nhất là những giáo viên làm công tác chủ nhiệm và giảng dạy lớp 9 – lớp cuối cấp. Năm nào cũng có những học sinh không đủ điều kiện về học lực lẫn hạnh kiểm, thế mà giáo viên bộ môn “không dám” hay nói cách khác không có quyền cho em học sinh đó thiếu điểm, thiếu phẩy.
Chúng tôi cân nhắc, trăn trở, suy nghĩ, hỏi ý kiến của đồng nghiệp, rồi cuối cùng phải chịu lực bất tòng tâm.
Thời điểm này, gần kết thúc học kì 2, nỗi băn khoăn, trăn trở lo lắng của chúng tôi càng rõ ràng nhưng biết làm thế nào bây giờ?
Đồng nghiệp của tôi hay đùa “giáo viên chúng ta như những người chiến sĩ bị đẩy ra ngoài mặt trận mà không có bất kì vũ khí nào trong tay cả. Chỉ đứng chờ và chịu chết”.
Quả đúng như vậy, hầu như giáo viên chúng tôi đã bị tước hết quyền một cách vô hình, ngay cả quyền được cho học sinh lưu ban cũng không có. Thật chua chát.
Trong nhiều năm qua, ở nơi tôi công tác, tìm tên một học sinh lưu ban như việc “mò kim đáy bể” vì không có năm nào có học sinh lưu ban cả. Cao nhất chỉ có học sinh rèn luyện trong hè và thi lại. Mà thi lại thì chắc chắn 100% lên lớp.
Hiểu được điều đó, hầu hết giáo viên sẽ “lánh nặng tìm nhẹ”. Ngay từ đầu họ “nương tay” với học sinh yếu kém để tránh “ôm rơm nặng bụng” trong việc ôn thi lại, ra đề thi lại, chấm thi lại rồi tìm học bạ vào điểm.
Thế là cái sai nọ nối tiếp cái sai kia, cuối cùng nạn nhân tội nghiệp nhất vẫn là những học sinh yếu, kém. Các em không có cơ hội để nghe lại kiến thức cũ, rèn thêm bản thân, không biết mình yếu kém ở đâu để sửa chữa kịp thời. Và thế là các em trượt dài trong bể kiến thức.
Đó là hệ lụy trực tiếp, còn kéo theo cả một hệ lụy lâu dài và khó mà thay đổi nữa là những thế hệ học sinh sau thấy thực tế không học vẫn được lên lớp như thường như vậy nên có những suy nghĩ rất lệch lạc và đáng sợ: không học và thậm chí quậy phá mà vẫn nghiễm nhiên tốt nghiệp.
Thực tế cho thấy những năm trở lại đây, số học sinh cuối cấp suy đồi về đạo đức, nhụt ý chí phấn đấu, phai nhạt lí tưởng sống, ích kỉ trong các mối quan hệ với bạn bè, vô lễ với thầy cô, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, với xã hội… càng nhiều. Có ai lường trước được hậu quả lâu dài về sau. Một thực tế đáng buồn!
Trong thời điểm nước rút, các buổi họp Hội đồng, họp Công đoàn, họp Tổ, một điệp khúc mà giáo viên nghe và thuộc nằm lòng là “đối chiếu, rà soát lại chỉ tiêu đầu năm quý thầy cô giáo nhé” và không quên câu “Điểm số nằm trong tay quý thầy cô”.
Lòng giáo viên chúng tôi buồn rười rượi, không ai bảo ai và tự khắc biết mình phải làm gì.
Chưa kể đến việc giáo viên chủ nhiệm các lớp phải làm trước một bước “em xem lại điểm cho những học sinh yếu của chị với nhé. Cố gắng hết sức hạn chế số học sinh thi lại”.
Năm nay, tôi dạy hai khối lớp vừa lớp 9 vừa lớp 6, hiện tại sĩ số của lớp 6 là 40 tròn, trong đó có 5 học sinh chắc chắn rơi vào trường hợp thi lại vì sức học quá yếu nhưng như thế tôi đã “vượt chỉ tiêu” đến 4 học sinh so với đăng kí đầu năm.
Rồi tôi không biết nói làm sao với giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường.
Còn đối với lớp 9, tôi sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng vì đây là thời điểm quan trọng với các em.
Giáo dục mang nhiệm vụ thiên liêng và cao cả, đó là tạo ra những con người có ích cho xã hội ngay từ những ngày đầu, giúp cho con người có lẽ sống đẹp, biết sống có ích, sống có ý nghĩa.
Như vậy mỗi một cá nhân phải biết nhận ra điểm yếu, điểm mạnh của mình để khắc phục và phát triển. Cá nhân không làm được thì giáo dục sẽ thay họ làm điều đó.
Thế nhưng giáo dục bây giờ còn đang làm đúng nhiệm vụ của mình nữa hay không khi bệnh thành tích đã ăn sâu vào tiềm thức của nhũng người quản lí giáo dục???
Nguồn: tuoitre.vn