Tại sao đến nay con tôi vẫn còn học thuộc lòng như một con vẹt? Phải chăng tôi là một người cha ‘mù tịt’ về chuyện giáo dục thời nay?
Con trai đầu của tôi đang học lớp 10. Trước đây vì bận rộn, đi công tác liên miên nên rất ít khi tôi hỏi han được chuyện học của con. Hầu như chuyện học hành của con, vợ tôi đều đảm nhận cả.
Nhưng gần hai năm nay, do ít đi công tác hơn, tôi thường xuyên để ý và trò chuyện với con về chuyện lớp, chuyện trường.
Tuy nhiên, khi “nhập cuộc” tôi thực sự bất ngờ trước cách học của con. Thay vì tư duy, sáng tạo, con đang phải học thuộc lòng rất nhiều.
Tôi biết chuyện “học tủ, học gạo” đã tồn tại từ lâu, không phải hiếm nhưng qua các cuộc cải cách giáo dục, tôi cứ tâm niệm đã qua rồi cái thời “thầy đọc trò chép”. Vậy tại sao, đến nay con tôi vẫn còn học thuộc lòng như một “con vẹt”? Phải chăng tôi là một người cha “mù tịt” về chuyện giáo dục thời nay?
Tôi sốc hơn khi con nói: “Chúng con phải học theo đề cương của thầy cô”. Tôi bảo con nên chủ động ôn thi chứ không nên dựa vào đề cương của giáo viên như thế. Nhưng con đáp: “Lớp con, bạn nào cũng học như thế ạ”.
Những dịp chuẩn bị thi học kỳ hoặc cuối kỳ, con thú nhận: “Con đang chờ cô giáo cho đề cương bố ạ”. Tôi yêu cầu con tự học chứ không được học tủ, học gạo, con bảo: “Lớp con, bạn nào cũng thế, phải học theo dàn ý, đề cương của thầy cô mới được điểm cao”.
Tự nhiên, tôi thấy hụt hẫng trong lòng. Để ý, tôi cảm thấy con ngày càng trở nên thụ động trong chuyện học cũng như trong giao tiếp. Ít khi tôi thấy con dám bày tỏ chính kiến của mình.
Thường câu cửa miệng của con sẽ là: “Cô A nói thế ạ” hoặc “bạn T học giỏi nhất lớp môn Văn cũng phải học theo đề cương của cô mà”. Hiếm khi tôi nghe con bắt đầu bằng mệnh đề đại loại như “theo con thì…”, “con nghĩ là…”, “con muốn…”.
Tôi cứ thắc mắc rằng môn Lịch sử cần nhớ các sự kiện, ngày tháng, chứ môn Văn có gì mà phải học thuộc lòng?
Vậy mà trời ơi, con học thuộc lòng các bài văn mẫu như “sáo” khiến tôi cảm thấy buồn, bởi còn đâu khoảng trống cho con sáng tạo? Lẽ nào sự sáng tạo của con chỉ khép kín và dừng lại ở những bài văn mẫu thôi sao?
Nhìn con đối phó một cách nghiêm túc với những tiết kiểm tra 15 phút, một tiết, rồi những kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ… tôi cảm thấy con đang bị thui chột sự sáng tạo từng ngày.
Tôi muốn con được học, được thi, được sáng tạo đúng nghĩa, để nhận những điểm số thật hơn, “chất” hơn.
Nhưng quan sát trong một thời gian, tôi cảm thấy con đã quá quen với việc học thi kiểu này, không còn tự động học mà chủ yếu đối phó với kỳ thi, luôn chờ đợi xem thầy cô sẽ cho ôn gì, phần nào?
Để rồi tự khi nào con tôi trở thành cái máy học thuộc lòng đúng nghĩa. Con cứ quẩn quanh trong bi kịch học thuộc lòng rồi nhớ nhớ, quên quên. Tôi bảo con: “Con cứ học vậy rồi nhìn gà hóa cuốc đấy”.
Không chỉ riêng nhà tôi mà ngay các đồng nghiệp cùng phòng làm việc của tôi cũng thú nhận con cái họ đang phải học thuộc lòng như thế.
Có người quan niệm con học như thế để ghi nhớ kiến thức cũng tốt. Nhưng có người phản đối, cho rằng học thuộc lòng sẽ đánh mất đi khả năng sáng tạo của trẻ.
Tôi cảm thấy bất lực!
Để rồi nay tôi giật mình khi con từ một cậu con trai năng nổ, hoạt bát từ thuở bé trở nên chây ì, phụ thuộc vào thầy cô. Mà tôi hiểu từ việc học đến nảy sinh tính cách “kí sinh” trong cuộc sống rất gần…
Tại sao thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn tồn tại kiểu học “cổ truyền” như thế này? Học như thế, sao tôi dám mong con trở thành một công dân thế kỷ 21 năng động, hội nhập quốc tế và sống tự chủ???
Nguồn: tuoitre.vn