Những ngày qua tại Ninh Thuận đã xảy ra tình trạng nhiều vùng thiếu nước, cừu chết vì nắng nóng và thiếu thức ăn, người dân thiếu nước sinh hoạt.

Hạn gay gắt, dân Ninh Thuận gặp khó vì thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 1.

Anh Chamaléa Thấp ở thôn Suối Le, nói: “Mỗi ngày phải xách bốn can nước (loại 20 lít) về và dè xẻn lắm mới tạm đủ cho bảy người trong nhà uống, nấu ăn”

Hiện, 99 hộ dân thôn Suối Le (xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) xoay xở tìm nguồn nước sinh hoạt để sử dụng cho cuộc sống hằng ngày vì 36 giếng đào cạn kiệt nước.

Phụ huynh góp nước cho trường

Mới sáng 11-4, nguồn nước Suối Le (suối đầu nguồn chảy về hồ Phước Nhơn, xã Phước Trung, huyện Bác Ái) đã khô cạn, khá nhiều người dân đến giếng lớn của thôn dùng gàu múc nước giặt giũ quần áo tại chỗ. Nhiều người tranh thủ tắm chứ về giếng nhà không có nước.

Chị Pinăng Thị Quen cho biết giếng đào nhà chị vào mùa hạn năm 2015- 2016 cạn nước, sau đó có mưa thì nước mạch có trở lại. Khoảng tháng nay nước giếng bắt đầu cạn, trở nên nhiễm mặn không thể sử dụng được.

“Muốn có nước uống, nấu ăn tôi phải xách can đi đến giếng nào còn nước ngọt xin về dùng” – chị Quen nói.

Giữa trưa nắng oi bức, anh Chamaléa Thấp xách thêm hai can (loại 20 lít) về cho con gái nấu ăn. Anh Thấp cho biết mỗi sáng xách hai can, trưa xách thêm hai can nữa. Dè xẻn nước lắm mới tạm đủ dùng trong ngày.

“May nhờ người dân trong thôn giúp nhau chia sẻ nguồn nước sinh hoạt, chứ nếu không, không biết lấy đâu ra nước uống, nấu ăn” – anh Thấp nói.

Thôn Suối Le có điểm trường của Trường tiểu học Phước Kháng. Điểm trường này có năm lớp (từ lớp 1 – lớp 5) và hơn 20 cháu của lớp mẫu giáo bán trú.

Cô Hà Thị Thu Thủy cho biết nước cho các cháu mẫu giáo bán trú rửa mặt, chân tay và nấu ăn rất khan hiếm vì giếng trường nước đã cạn, nước từ đài nước sạch dẫn về trường đã tắt từ lâu.

Phụ huynh sáng dẫn các cháu đến trường, mỗi người xách theo một gàu nước hoặc can nước 5 lít, 10 lít góp vào bồn nước xanh do bạn đọc báo Tuổi Trẻ trao hồi mùa hạn 2015-2016 để dùng trong ngày.

“Nước của phụ huynh đem đến trường cũng có từ các hộ dân trong thôn chia cho nhau, phần lớn giếng nhà phụ huynh cũng cạn hoặc nhiễm mặn hết rồi” – cô Thủy nói.

Hạn gay gắt, dân Ninh Thuận gặp khó vì thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 2.

Cô giáo Hà Thị Thu Thủy, chủ nhiệm lớp mẫu giáo bán trú điểm Trường tiểu học Phước Kháng tại thôn Suối Le mở vòi nước được dẫn từ đài nước sạch của thôn nhưng vô vọng vì không có nước 

Tìm nguồn nước cho dân

Sáng 11-4, ông Katơ Lu, phó ban quản lý thôn Suối Le cho biết vì là thôn miền núi nằm xa trung tâm xã Phước Kháng (huyện Thuận Bắc) và trung tâm xã Phước Trung (huyện Bác Ái) nên rất khó khăn khi vận chuyển nước sinh hoạt về thôn.

“Tại thôn có đài nước sạch được xây dựng, cung cấp nước cho 99 hộ dân được một năm rồi ngưng vì hụt nước. Nguồn nước từ suối Suối Le cũng khô cạn. Người dân trong thôn cùng chia sẻ nhau nước giọt để uống, nấu ăn; còn nước giếng nhiễm mặn dùng cho tắm giặt” – ông Lu nói.

Chị Đào Thị Mai cũng cho biết nhà sát đài nước sạch mà cũng không có nước để sử dụng từ trạm này.

Hạn gay gắt, dân Ninh Thuận gặp khó vì thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 3.

Anh Chamaléa Thấp nghiêng bồn chứa nước do bạn đọc báo Tuổi Trẻ trao tặng vào mùa hạn 2015-2016, cho biết trời không mưa, nước giếng, suối đều không có nên bồn đang chờ có nước để chứa 

Ông Nguyễn Đức Thanh, bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, đã đến kiểm tra tình hình thiếu nước sạch của người dân, kiểm tra đài nước sạch đang ngừng hoạt động vì thiếu nước.

“Các đơn vị liên quan cung cấp nước sạch phải triển khai ngay việc đưa hệ thống nước sạch từ xã Phước Trung về thôn Suối Le để người dân có nước sạch sử dụng lâu dài” – ông Thanh chỉ đạo.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : hạn hánhệ thống nước sinh hoạthuyện Bác ÁiNinh Thuậnnước nhiễm mặnsuối Le

Các tin liên quan đến bài viết