Hiện tượng kỳ lạ không có đội nào bảo vệ thành công ngôi vô địch của bóng chuyền nam vừa kéo dài lên mùa thứ 13, kể từ năm 2004.
Mùa giải 2003, Thể Công đã lập nên một kỳ tích lần thứ 3 liên tiếp bước lên ngôi cao nhất của giải vô địch bóng chuyền quốc gia. Thế nhưng, kể từ đó không còn đội nào được hưởng niềm vui bảo vệ thành công ngôi vị của mình.
VĐV Ngô Văn Kiều và các đồng nghiệp chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: VFV
Tính đến năm 2016, sau mỗi mùa, bóng chuyền nam Việt Nam lại giới thiệu một quán quân mới. Qua 13 mùa, chỉ có Bưu điện Hà Nội (2005), Thể Công (2007) và Đức Long Gia Lai (2014) lọt vào trận chung kết giải sau với tư cách đương kim vô địch. Cũng có bốn “vua” thậm chí còn bị văng ra khỏi Top 3. Việc giữ ngôi vương bóng chuyền khó đến mức được ví như một “lời nguyền”.
Đặc biệt hơn, số lượng đội bóng đăng quang trong 13 mùa giải vừa qua không gói gọn mà mở rộng tới 7 đội. Hiện trạng này giúp bóng chuyền nam đã tạo ra một hiện tượng đặc biệt hiếm, không chỉ với Việt Nam.
Cùng với những yếu tố liên quan đến “cái dớp” hay “lời nguyền”, chuyện không có nhà ĐKVĐ nào giữ được ngôi đầu bóng chuyền nam hoàn toàn có thể lý giải về mặt chuyên môn.
Trong suốt 13 mùa vừa qua, không có đội nào đạt tới đẳng cấp của một “thế lực” thực sự với nền tảng và sức mạnh vượt trội so với phần còn lại, như Thể Công đầu những năm 2000.
Quan trọng hơn, theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, mặt bằng chung của môn này đã có bước đột phá, nhờ sự xuất hiện của nhiều mô hình xã hội hóa, có nguồn đầu tư lớn, mà nổi bật là: Tràng An Ninh Bình, Sanest Khánh Hòa, Đức Long Gia Lai. Làn gió mới ấy cũng đã khiến tất cả các đội đều phải chuyển mình mạnh mẽ.
Mùa giải năm nay cũng có tới 4-5 đội đủ khả năng tranh chấp ngôi số 1. Các trận đấu diễn ra hấp dẫn, quyết liệt với chất lượng chuyên môn cao ngay từ vòng bảng. Nếu tới đây bóng chuyền Việt Nam thực hiện việc giảm số đội dự tranh giải VĐQG từ 12 xuống 8, có lẽ tất cả các đội nam đều có thể tranh chấp các thứ hạng cao, kể cả ngôi số 1.
Thua thiệt vì đâu?
Hoàn toàn trái ngược với giải nam, cũng trong 13 mùa, giải nữ chỉ có bốn đội đăng quang là: Thông tin LienVietPostBank, Bình Điền Long An, Thái Bình và Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Trong đó, riêng Thông tin LienVietPostBank chiếm 9/12 danh hiệu, với bốn lần liên tiếp từ 2012-2015. Phải đến mùa 2016, do lực lượng suy yếu nghiêm trọng nên họ mới bị Ngân hàng Công thương Việt Nam truất ngôi.
Xét trên nhiều mặt, nhất là chuyên môn, bóng chuyền nam phải được quan tâm, đầu tư hơn hay chí ít cũng ngang với bóng chuyền nữ. Tuy nhiên, lâu nay những Hữu Hà, Văn Kiều… luôn chịu lép vế, thua thiệt quá nhiều so với các đồng nghiệp chân dài.
Dù có quyết tâm cố gắng tới đâu để trình diễn những trận cầu đỉnh cao, giải nam vẫn kém hẳn giải nữ về sức hút với khán giả, truyền thông, nhà tài trợ.
Đó là một xu hướng có phần khách quan và để khắc phục cần phải có thời gian. Đáng buồn, ngay cả những người có trách nhiệm của Liên đoàn và bộ môn Bóng chuyền Việt Nam cũng “lệch” hẳn về nữ.
Đơn cử, mỗi năm, ĐTQG nữ được tham dự vài giải quốc tế, được tập huấn vài đợt, thì đội nam trung bình hai năm mới tập huấn một lần trong vài tháng trước mỗi kỳ SEA Games.
Nghịch lý này đã kéo dài, mà chưa có dấu hiệu thay đổi, dù chính những người trong cuộc đều thấy rõ. HLV của đội tân VĐQG nam Thể Công Binh đoàn 15 cũng là HLV trưởng ĐTQG Phùng Công Hưng cho rằng, “giải nam đang thuộc diện hàng đầu Đông Nam Á và nếu được quan tâm, đầu tư tốt, chất lượng giải và ĐTQG sẽ không thua gì Thái Lan hay Indonesia”.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường thừa nhận: “Bóng chuyền nam chưa được phát huy hết về tiềm năng, sức hút, khả năng tranh chấp. Liên đoàn sẽ phải sớm có sự điều chỉnh mạnh mẽ để nâng chất cả giải VĐQG lẫn ĐTQG nam”.
Nguồn: 24h.com.vn