Bằng sự quyết tâm, nỗ lực của mình, nông dân phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã phủ xanh đồi cát trắng khô cằn quê mình. Nhờ cà chua “cắm rễ” nơi đây mà người dân vùng cát đã vươn lên, nuôi con ăn học đến chốn.
Hơn 20 năm trở lại đây, nông dân phường Điện Nam Trung như tìm được nguồn sống khi thử nghiệm thành công mô hình trồng cà chua trên đất cát trắng. Ban đầu chỉ có vài hộ dân theo lớp học trồng loại cây này nhưng sau một vài vụ mùa mang lại năng suất cao, gần 300 hộ dân rủ nhau trồng cà chua cho đến bây giờ.
Cà chua đã phủ xanh miền đất cát trắng, mang lại thu nhập khá cho người dân
Lão nông Lê Văn Năm kể, cách đây hơn 20 năm đất ở đây trắng phau không thể trồng được hoa màu. Nhìn dải đất rộng mênh mông mà người dân chỉ biết than ngắn thở dài. Không chịu đầu hàng trước thực cảnh, người dân trong làng quyết tìm được giống cây vừa chịu hạn tốt, trồng được trên cát trắng mà cho năng suất cao. Và cà chua dĩa là lựa chọn lúc bây giờ, lúc đó cây cà còn thấp nên chỉ cho được trái nhỏ. Sau này để tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường người dân bắt đầu nhập về giống cà chua dĩa thân cao cho trái to và cà chua bom Đà Lạt.
Nhờ cà chua mà nhiều hộ khấm khá lên, có thể nuôi con ăn học đến chốn
“Nhà tôi trồng hơn 5 sào cà chua dĩa, còn 2 sào đất còn lại để trồng cúc vàng cũng là loại hoa mới được phát triển gần đây cho thu nhập khá. Khi cà chua chín rộ cây nhất thì mỗi ngày tôi có thể thu về hơn 300kg/ngày để bán cho lái buôn, chưa kể khách đến mua lẻ. Hiện giá cà chua dĩa là 12.000-15.000 đồng/kg, cà chua bom Đà Lạt có giá 9.000-10.000 đồng/kg. Một mùa có thể cho thu nhập rất khá, cao hơn nhiều so với trồng lúa mà lại dễ chăm sóc, năng suất cao”- ông Năm chia sẻ thêm.
Dưới cái nắng chang chang của dải đất miền Trung, những ruộng cà chua xanh mướt đã làm dịu đi bớt cái nắng gay gắt trên miền cát trắng và là nguồn sinh kế của đa số người dân
Để trồng cà chua cho năng suất cao, bà con nông dân nơi đây phân luống cát trắng rất bài bản, mỗi luống được bọc màng ni lông dưới gốc nhằm giữ độ ẩm. Bên cạnh đó còn giàn cọc tre xếp theo luống cho cà chua phát triển, không bị ngả hoặc gãy cành.
Cà chua dĩa và cà chua bom được trồng phổ biến tại đây
Từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau, nông dân tự nhận định nhu cầu thị trường để xuống giống cây, một vụ thường kéo dài 2-3 tháng. Từ ngày xuống giống đến ngày thu hoạch, người dân phải áp dụng quy trình bón phân chính xác để thu lại năng suất cao. Đặc biệt, thời kỳ cây cà chua trổ hoa, mỗi tuần đều phải tỉa lá và thực hiện thao tác lắc nhẹ giàn cà chua thúc đẩy sự thụ phấn.
Nếu cây chín rộ mỗi ngày người dân có thể hái hơn vài trăm ký/ngày
Nhờ trồng vài sào cà chua và cúc vàng trên đất cát trắng mà vợ chồng bà Trần Thị Mẫn đã nuôi 3 con ăn học đàng hoàng. Hiện cả ba người con bà Mẫn đều đang theo học Cao đẳng, Đại học tại TP Đà Nẵng, số tiền cho con ăn học đều nhờ việc bán cà chua và hoa cúc mà có.
Bên cạnh cây cúc vàng được phổ biến gần đây, thì cà chua đã là cây mang lại thu nhập khấm khá cho người dân
“Đời tôi đã khổ rồi nên cố gắng làm lụng cho con ăn học thành tài, đất đai hiện nay ngày càng hiếm với các dự án đô thị mọc lên nhanh chóng. Không biết mươi năm nữa chúng tôi còn đất làm nông không nữa, hiện giờ chỉ biết dồn hết sức để cho con ăn học sau này bớt khổ. Ở đây nhà nào cũng trồng cà chua, vì dễ trồng lại cho năng suất cao nên người dân rất chuộng. Chúng tôi trồng cà chua dĩa và cà chua bom được thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng ưa chuộng. Sau khi trừ chi phí gia đình có thể thu về hơn 30 triệu đồng/sào/vụ” – bà Mẫn cho biết thêm.
Ông Lê Đình Bê – Chủ tịch Hội Nông dân phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho hay: “Từ ngày người nông dân ở đây biết đến kỹ thuật thâm canh cây cà chua, đời sống của họ ngày càng phát triển. Sắp tới, Hội nông dân sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn để bổ sung thêm các kiến thức chăm sóc cà chua, lai ghép các giống cà chua có năng suất cao được thị trường ưa chuộng cho bà con”.
Nguồn Dân Trí