Ngày 1-4 (16-2 âm lịch), người dân làng Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) tổ chức lễ hội cầu ngư theo tục lệ truyền thống, trang trọng và thiêng liêng.

Lễ hội do các bô lão làng Nam Ô tổ chức, thu hút hàng trăm người tham dự. Dân làng Nam Ô dù làm ăn ở đâu xa, bận công việc gì cũng gác lại để đến tham dự lễ cầu ngư. Mỗi người đóng góp chút đỉnh tùy theo điều kiện để có kinh phí thực hiện lễ cầu ngư. Phần lễ diễn ra tại lăng Ông Ngư (tổ 35, P.Hòa Hiệp Nam), rộng 360m2, cách mép nước biển Nam Ô khoảng 50m. Các nghi lễ chính gồm lễ Bến (lễ vọng ông Sanh), lễ Túc và lễ Chánh.

Các bàn thờ được bày biện các lễ vật theo phong tục, tín ngưỡng. Bàn hương án lập sát bờ hướng ra Biển Đông. Người xướng lễ đọc văn tế cầu ngư và các bô lão, thanh niên mặc áo dài đầu đội mão thực hiện trình tự các nghi lễ một cách trang trọng, thiêng liêng. Phần lễ có chiêng, trống, nhạc lễ phụ họa. Sau các nghi thức tế lễ là bà con nhân dân vào dâng dương cầu nguyện những điều tốt đẹp, thuận lợi, may mắn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Ông Trần Ngọc Vinh – Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cầu ngư Nam Ô cho biết, Lễ hội là để cầu quốc thái dân an, nghề nghiệp ôn định, nghề biển của bà con được bội thu, an toàn. Đây là sự tín ngưỡng văn hóa, đời sống tinh thần thiêng liêng của người dân ven biển được lưu truyền hàng trăm năm.

Nam Ô là làng ven biển có lịch sử lâu đời, được bao bọc bởi núi non hùng vĩ, biển cả bao la, phong cảnh hữu tình. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề biển. Từ năm 2010, thực hiện quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, có 676 hộ dân của làng Nam Ô đã được bồi thường, giải tỏa và di dời đến các khu tái định cư, sinh sống ở những vùng đất mới.

Lễ hội cầu ngư gắn liền với lịch sử hình thành lăng Ông Ngư cùng với tục thờ cúng cá Ông (cá Voi). Lăng Ông Ngư được xây dựng từ thời Vua Gia Long (1802) với kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trát vôi vữa, mái lợp lá kè. Năm 1935, lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương. Đến nay dù lăng đã được sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính. Lăng là nơi cất giữ hài cốt cá Ông đã được cải táng. Đây là con vật được xem như vị cứu tinh của dân miền biển mỗi khi ra khơi. Cá Ông sau khi trôi dạt vào bờ được người dân mai táng và sau 3 năm sẽ lấy xương cốt đưa vào lăng Ông để thờ cúng.

Dịp này, bà con trở về để thực hiện các nghi lễ truyền thống. Ông Trần Ngọc Vinh chia sẻ: “Biết thông tin lãnh đạo Đà Nẵng đã thống nhất giữ lại nguyên vẹn lăng Ông Ngư cũng như các tín ngưỡng văn hóa truyền thống Nam Ô, bà con mừng lắm, không còn phải lo lắng các yếu tố truyền thống bị mai một, lãng quên”.

Phần hội với những phần thi, trò chơi dân gian đặc trưng của vùng Nam Ô như: đua thuyền, lắng thúng, đẩy gậy, kéo co, đánh bong chuyền. Trải qua bao biến thiên của tạo hóa, thăng trầm của cuộc sống, lễ hội cầu ngư đã và sẽ mãi vững bền trong tâm trí dân làng Nam Ô. Nó là một phần đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu của Nam Ô.

Loạt ảnh lễ hội cầu ngư truyền thống Nam Ô:

Từ khóa : cầu ngưlễ hộithiêng liêngtrang trọng

Các tin liên quan đến bài viết