Nhiều người có thể bất ngờ khi biết đa số các nhân viên ngoại giao Nga bị phương Tây trục xuất những ngày qua đều bị gắn mác “tình báo”. Trên thực tế chuyện này có phổ biến không?
Trong vụ xì căng đan hạ độc hai cha con cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal, Thủ tướng Anh Theresa May công bố thông tin rằng 23 nhà ngoại giao Nga bị Anh trục xuất là “sĩ quan tình báo chìm”. Nói cách khác, họ là điệp viên.
Do vụ việc đầu độc liên quan hoạt động ngầm và thường do các điệp viên tổ chức hoặc tự tay thực thi nên việc trục xuất họ (Mỹ cùng các quốc gia châu Âu tham gia việc trục xuất cũng có động thái tương tự là trục xuất các “điệp viên Nga” dưới mác nhà ngoại giao) là cách khẳng định “chúng tôi biết tỏng họ là ai”.
Điều này có thể gây ngạc nhiên vì công chúng thường nghĩ các tiêu chuẩn của một nhà ngoại giao phải rất khác, chẳng hạn giỏi giao tiếp, biết nhiều ngôn ngữ… Vậy thì đâu là ranh giới giữa ngoại giao và tình báo?
Chuyện bình thường
“Tất cả đại sứ quán trên thế giới đều có điệp viên” – giáo sư Anthony Glees, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và tình báo thuộc Đại học Buckingham (Anh), khẳng định.
Theo ông Glees, chính vì mọi quốc gia đều chơi trò “do thám”, các chính phủ tự hiểu ngầm với nhau rằng không ai can thiệp vào những gì diễn ra bên trong đại sứ quán nước ngoài.
Nhưng luật bất thành văn đó cũng có giới hạn, sự phớt lờ sẽ chấm dứt nếu có điều gì đó bất hợp pháp xảy ra. “Đó là lý do tại sao vụ hạ độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal phiền phức đến như vậy” – GS. Glees giải thích.
Vài người tự xưng là nhân viên ngoại giao nhưng thực chất là sĩ quan tình báo. Quốc gia nào cũng có.
Giáo sư Anthony Glees
Tất nhiên, không phải tất cả nhân viên đại sứ quán đều có âm mưu mờ ám. Các nhà ngoại giao chân chính thu thập thông tin bằng các biện pháp chính thống được quy định bởi Công ước Vienna năm 1961 về Quan hệ ngoại giao.
Riêng mảng thu thập thông tin tình báo mật sẽ do các sĩ quan tình báo trà trộn trong đại sứ quán chịu trách nhiệm điều phối.
“Công việc thực tế sẽ do các gián điệp bên ngoài thực hiện. Họ có thể được trả tiền, bị đe dọa hoặc đơn giản là tình nguyện giúp đỡ vì lý tưởng. Những người trong đại sứ quán chỉ điều hành mạng lưới, họ không đời nào để bẩn tay mình” – giáo sư Glees mô tả.
“Vụ việc vừa qua là một cú đấm đối với hoạt động tình báo của Nga tại Anh, nhưng chắc chắn họ còn nhiều điệp viên khác và chỉ chờ những người mới đến để nhận mệnh lệnh” – vị chuyên gia nhận định.
Chính phủ Anh phân chia 3 lĩnh vực chính cho các nhà ngoại giao:
- Chính trị: Theo dõi các diễn biến chính trị – xã hội tại quốc gia đặt đại sứ quán; đại diện nước Anh quan hệ với chính phủ sở tại và truyền thông.
- Thương mại: Giúp các công ty Anh làm ăn ở nước ngoài và thúc đẩy đầu tư của Anh.
- Lãnh sự: Giúp đỡ công dân Anh ở nước ngoài và xử lý đơn xin cấp visa Anh.
London chia sẻ tình báo với đồng minh
Trở lại với thời sự, ngày 28-3, lại có thêm Bỉ, Moldova, Ireland và Úc nối gót hơn 20 nước châu Âu và NATO trục xuất các nhà ngoại giao Nga, nhiều người trong đó bị tình nghi hoạt động gián điệp, nâng tổng số người bị ảnh hưởng lên hơn 150.
Báo Financial Times dẫn lời một quan chức Anh giấu tên tiết lộ trong 2 tuần qua, London đã chia sẻ dữ kiện khoa học chi tiết về chất độc thần kinh dùng trong vụ ám sát cha con ông Sergei Skripal, cùng với các báo cáo tình báo củng bố cáo cuộc Matxcơva đứng sau vụ này, với các nước đồng minh.
“Chúng tôi đã công bố một lượng tin tình báo chưa từng có cho đồng minh để thuyết phục họ rằng vụ này đứng đằng sau không ai khác hơn chính là Nga” – vị quan chức nói.
Mức độ tin tình báo Anh chia sẻ cho đồng minh khác nhau tùy vào từng nước, tin tức cho hay. Đối với Mỹ, Canada, Úc và New Zealand thuộc mạng lưới tình báo “Five Eyes”, London cung cấp toàn bộ phát hiện chính cùng dữ liệu cơ bản từ các cơ quan tình báo MI6, MI5 và GCHQ.
Một số nước châu Âu khác tiếp cận được ít thông tin hơn.
Chính phủ Anh tin rằng cách họ phản ứng nhanh chóng và đoàn kết trong vụ tấn công ở Salisbury sẽ là hình mẫu cho chiến lược an ninh quốc gia tương lai, dự kiến sẽ được công bố trong ngày 29-3.
Trước đó, dù Nga liên tục bác bỏ, các nhà khoa học Anh kết luận chất độc dùng để tấn công cha con ông Skripal thuộc nhóm Novichok sản xuất bởi Liên Xô trong những năm 1970 – 1980.
Nguồn: tuoitre.vn