Tại Pháp, 10.000 ca tử vong mỗi năm do dùng thuốc không đúng cách, do không thèm tham vấn bác sĩ. Nhưng tình hình đã được cải thiện nhờ chiến dịch tuyên truyền đúng đắn.
Trong một thông cáo báo chí mới đây, tổ chức “Le Collectif Bon Usage du médicament” (Hiệp hội sử dụng thuốc đúng cách, thành lập năm 2015) nhận định: “Có nhiều nguyên nhân tai hại từ việc dùng thuốc không đúng cách, như liều dùng sai, uống thuốc không đúng lịch, không tuân thủ phác đồ điều trị, tương tác thuốc không tốt… và hậu quả đôi khi rất nghiêm trọng”.
Cụ thể là mỗi năm tại Pháp có đến hơn 10.000 ca tử vong do thuốc trị bệnh gây ra, cao gấp ba lần so với số người chết do tai nạn giao thông đường bộ, chưa kể đến con số hơn 130.000 ca nhập viện và phải nằm điều trị trung bình khoảng 10 ngày. Và tính ra, có 45 – 70% ca bệnh có thể chữa khỏi tốt hơn nếu dùng thuốc đúng cách.
Một báo cáo chuyên môn gửi Bộ Y tế Pháp vào năm 2013 từng nhấn mạnh rằng người dân nước này dùng rất nhiều thuốc, nếu không nói là “quá nhiều” so với mặt bằng chung châu Âu!
Những tín hiệu báo động
Trong một tài liệu tuyên truyền được công bố năm 2015, tổ chức “Le Collectif Bon Usage du médicament” cảnh báo rằng những tác hại từ dược phẩm “từ nguyên nhân là do kết hợp đồng thời nhiều phương pháp điều trị khác nhau, do tương tác thuốc không hợp lý hoặc do bệnh nhân dùng thuốc sai quy định, có thể diễn tiến nặng nhẹ khác nhau tùy theo tuổi tác bệnh nhân, tùy mức độ mẫn cảm và hấp thụ thuốc của cơ thể, và do bệnh trạng của mỗi người, kể cả từ dược chất của những loại thuốc mà họ dùng.
Tài liệu đó chỉ ra rằng “những biểu hiện này bề ngoài trông rất bình thường, như mệt mỏi, suy nhược cơ thể, biếng ăn, sụt cân, thường xuyên chóng mặt, choáng váng, cảm giác khó ở trong người, rối loạn cân bằng vận động, hay té ngã, suy giảm trí nhớ, rối loạn tiêu hóa, rối loạn bài tiết, tim đập nhanh, rối loạn thị giác”.
Và để phòng tránh, điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ chặt chẽ liều dùng đối với mỗi loại thuốc được kê toa, không tự ý ngưng thuốc hoặc dùng thêm khi chưa có chỉ định bác sĩ, và phải luôn nói rõ cho nhân viên y tế biết những loại thuốc mà mình đang dùng để họ nắm rõ quá trình tương tác thuốc và kê toa hoặc có những hướng dẫn phù hợp.
Người bệnh cũng nhớ bảo quản thuốc đúng cách, thuốc phải còn nguyên trong bao gói (hoặc trong chai lọ đối với thuốc nước) khi chưa sử dụng, và trong trường hợp có biểu hiện lạ trên cơ thể hoặc nghi ngờ có tác dụng không mong muốn khi đang dùng thuốc thì hãy đến ngay bác sĩ điều trị hoặc gặp dược sĩ.
“Le Collectif Bon Usage du Médicament” được thành lập năm 2015 là nơi tập họp nhiều cá nhân và tập thể chuyên về dược phẩm tại Pháp, từ các cơ sở sản xuất, các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, chuyên viên vật lý trị liệu, cho đến những chuyên gia về chăm sóc sức khỏe và kỹ thuật y học.
Mục đích của tổ chức hội này là tuyên truyền vận động người cao tuổi và cả những người chăm sóc họ, hiểu được tác hại nhiều mặt từ việc dùng dược phẩm không đúng cách, nhất là đối với những cụ ông cụ bà từ 75 đến 84 tuổi, bởi trung bình họ dùng 4 loại thuốc khác nhau cùng lúc.
Kết quả trong những năm gần đây rất đáng khích lệ khi có đến 65% bệnh nhân được hỏi trả lời rằng chiến dịch tuyên truyền nói trên là rất hữu ích, và 2/3 nói rằng họ sẽ trao đổi cặn kẽ với bác sĩ điều trị hay dược sĩ nhà thuốc.
Một thành công khác đáng ghi nhận là số lượng dược phẩm được kê toa cho những bệnh nhân trên 65 tuổi cũng giảm đáng kể, giúp tiết kiệm 74 triệu euro trong một năm và kéo giảm nguy cơ tăng bệnh do tương tác thuốc.
Nguồn: tuoitre.vn