Nói tục, chửi thề diễn ra khá phổ biến, trở thành câu cửa miệng của một số người. Từ góc độ pháp lý và đời sống xã hội, hành vi này được nhìn nhận như thế nào?

Chửi thề - có kiện được không? - Ảnh 1.

Tòa án nhân dân TP Cà Mau (Cà Mau) vừa đưa ra xét xử một vụ án dân sự khá hi hữu. Nguyên đơn là anh Tr.L. (ở phường 2, TP Cà Mau). Bị đơn là anh B.T.Kh. (ở phường 5, TP Cà Mau).

Anh L. kiện anh Kh. ra tòa vì bị anh Kh. chửi thề.

Nên hiểu chửi thề và lăng mạ là khác nhau. Chửi thề là thể hiện những câu nói thô tục nhưng không nhắm đến một đối tượng cụ thể nào. Còn lăng mạ là sử dụng những từ ngữ thô tục nhằm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một đối tượng cụ thể

Luật sư NGUYỄN QUỐC CƯỜNG

Kiện đòi bồi thường 13 triệu đồng

Theo hồ sơ vụ kiện, anh L. mua camera của anh Kh. (giám đốc một công ty). Thời hạn bảo hành camera 1 năm, riêng cục sạc nguồn, theo anh L. trình bày, bảo hành 6 tháng, nhưng do quen biết nên hai bên không làm giấy bảo hành.

Khi cục sạc bị hư, hai bên gặp nhau bàn bạc chuyện bảo hành. Trong quá trình trao đổi, anh Kh. có quăng cái bóp lên bàn và nói tục một câu: “XX… nè!”. Nói xong, anh Kh. đứng lên bỏ về công ty.

Anh L. đi theo đến công ty tiếp tục yêu cầu ghi phiếu bảo hành, anh Kh. chửi thêm câu thứ hai: “XX…, không ghi phiếu gì hết”.

Cho rằng bị xúc phạm, anh L. báo công an khu vực. Công an phường 5 mời hai người về trụ sở, anh Kh. bị lập biên bản xử phạt hành chính 200.000 đồng theo nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Sự việc không chỉ dừng lại ở đó, anh L. kiện anh Kh. ra tòa, yêu cầu anh Kh. bồi thường 13 triệu đồng tổn thất tinh thần do xâm hại danh dự, nhân phẩm, gấp 10 lần mức lương cơ sở (1,3 triệu đồng).

Theo HĐXX, qua xem xét hai câu nói tục của anh Kh. không chỉ đích danh anh L.. Khi anh Kh. chửi thề chỉ có ba người: gồm hai đương sự và một nhân viên của anh Kh..

Hai câu nói tục của anh Kh. chỉ nên xem xét, đánh giá ở mức độ chuẩn mực văn hóa trong giao tiếp, chưa đến mức độ xâm phạm danh dự, nhân phẩm của anh L.. Do đó, HĐXX bác đơn của anh L..

Sau khi bản án được tuyên, anh Kh. cho biết cảm thấy mệt mỏi bởi chuyện bé tí, không đâu vào đâu nhưng bị “người bạn thân thiết nhiều năm” kiện ra tòa khiến hai người “không còn nhìn mặt nhau”.

Khó xử lý

Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), từ trước đến nay, kiện đòi bồi thường do bị chửi thề không có tiền lệ xét xử ở Việt Nam.

Chửi thề thì chửi ai, phải có tên cụ thể. Việc văng tục, chửi thề mà không nhắm đến một đối tượng cụ thể thì rất khó chứng minh là gây tổn hại về danh dự, nhân phẩm nên rất khó xử lý.

Nếu chứng minh được có gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm thì người bị văng tục, chửi thề có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo điều 592 Bộ luật dân sự 2015.

Mức bồi thường bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định và khoản tiền bù đắp mức tổn thất về tinh thần mà người đó phải gánh chịu.

Luật là vậy nhưng việc nói tục, chửi thề xét về pháp lý và đời sống hằng ngày thì không đáng để kiện ra tòa.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (giảng viên Học viện Tư pháp tại TP.HCM) phân tích luật phát triển từ những quy phạm đạo đức. Chửi thề là vi phạm chuẩn mực đạo đức, nhưng để xử lý về luật thì rất khó.

“Tùy thuộc vào từng người, có một số người xem chửi thề là bình thường, một số người khác cho rằng đó là xúc phạm. Có xúc phạm danh dự, nhân phẩm một người nào đó hay không phụ thuộc vào chủ thể tiếp nhận, chủ thể thực hiện hành vi, môi trường, hoàn cảnh diễn ra hành vi.

Luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng về những điều này” – luật sư Quân nói.

Phải giáo dục nếp sống văn hóa

Luật sư Lê Minh Nhựt (giảng viên Học viện Tư pháp cơ sở tại TP.HCM) cho rằng việc chửi thề liên quan đến văn hóa ứng xử. Nhưng để đưa ra xét xử dân sự thì không đáng.

“Theo quan điểm của tôi, nên mở rộng về phạm vi xử phạt hành chính, phạt thật nặng, thật nghiêm hơn so với hiện nay để hạn chế thực trạng này, đồng thời tăng sự văn minh, lịch thiệp trong văn hóa giao tiếp với nhau”.

Theo ông Đậu Xuân Thoan (giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học – tâm lý – giáo dục), suy cho cùng, văn hóa lúa nước từ xưa nay coi chuyện chửi thề là bình thường. Cha với con có khi cũng chửi thề.

Một số vùng quê địa phương, chửi thề được hiểu ngầm với nhau như một mức độ thân mật. Tùy địa phương, tập tính văn hóa, câu cửa miệng hai miền còn có sự khác nhau.

Trong những câu chửi thề có một số thuật ngữ mà người miền Bắc xem là bình thường, nhưng với miền Nam là rất nặng nề. Chỉ xét riêng về điều này, pháp luật cũng rất khó quy định thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Ông Đậu Xuân Thoan còn nói đề cập tới chửi thề, nói bậy phải bàn đến vấn đề giáo dục. Việc dạy một đứa trẻ đi thưa về trình, ăn nói lễ phép hiện nay chỉ tập trung vào học sinh tiểu học.

Chưa kể thầy cô giáo dạy rồi nhưng về nhà học sinh lại bị ảnh hưởng cách ứng xử của người lớn, cha mẹ, môi trường xung quanh…

Luật sư Kỳ Quân (giảng viên Học viện Tư pháp tại TP.HCM) cũng cho rằng tình trạng nói tục, chửi thề nhiều là từ giáo dục mà ra. Cái gốc là giáo dục, pháp luật chỉ xử lý về ngọn.

Giáo dục cái gốc con người chưa tốt, xử lý cái ngọn còn lỏng lẻo thì khó mà ngăn chặn được nạn chửi thề, nói tục.

“Ứng xử của một con người là do cả quá trình giáo dục lâu dài, chứ không ngày một ngày hai mà có được” – luật sư Quân nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chửi thềkiện tụngluật sưnói tục

Các tin liên quan đến bài viết