Đó là lời ca thiết tha của nghệ sĩ Văn Công Hoàng từ Quảng Nam gửi về Huế để tiễn biệt nghệ nhân ưu tú Minh Mẫn – “đại thụ” của nghệ thuật ca Huế – vừa chia tay bạn tri âm “bay về trời” sau 94 năm vui chơi ca hát trên cõi đời.
Bài Tiếc thương đồng điệu tri âm của Văn Công Hoàng được nghệ sĩ Thanh Tâm cất lên bằng điệu Nam bình trước linh cữu nghệ sĩ Minh Mẫn trong đêm 19-3.
Đêm cuối cùng trên trần gian của nghệ sĩ Minh Mẫn, thay cho những lời kinh cầu là lời ca tiếng nhạc tiễn đưa của bạn bè và học trò.
Như mọi đêm ở Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng, nhà thơ Võ Quê mở đầu bằng lời chia tay đầy trân trọng với nghệ sĩ Minh Mẫn – người đã sống trọn đời với ca Huế và ra đi thanh thản sau khi đã truyền hết bài bản, ngón nghề cho bao lớp học trò, trong số đó có nhiều người đang có mặt để hát cho bà nghe đêm nay.
Sau bài Hò đưa linh của nghệ sĩ Văn Ngộ, dàn nhạc hòa tấu bản Long ngâm do Lệ Hoa đàn tranh, Hồng Lê đàn bầu, Trần Thảo đàn nhị, Ngọc Hùng đàn tỳ bà, Đình Vân đàn nguyệt.
Họ là ba giọng ca vàng lão làng của ca Huế (Minh Mẫn, Thanh Hương, Thanh Tâm), nay một người đã ra đi. Chỉ những ai là tri âm mới hiểu vì sao đêm nay nghệ sĩ Thanh Tâm hát thiết tha đến thế, hát đến ba bài với năm làn điệu như một ca nương thanh xuân.
Nhạc sĩ Phạm Duy từng kể rằng từ những năm giữa thập niên 1940, ông đã được giọng ca Minh Mẫn “rót vào tai” những điệu hò Mái nhì, Nam ai, Nam bình trong khung cảnh thơ mộng của dòng sông Hương…
Và nay, nghệ sĩ Minh Mẫn thư thái nằm đó để nghe học trò Thu Hằng hát rất nồng nàn bản Nam xuân và Hiền Lương đầy điệu nghệ với bài Cổ bản Ai phong lưu người điệu: “Ai phong lưu người điệu là khách Hương Bình / Bạn chung tình / Với mình mà chơi”.
“Đó là hai bài mà mệ thích nhất!” – Lê Minh Vũ, cậu học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ (Huế), một học trò nhỏ của nghệ sĩ Minh Mẫn, cho biết. Vũ nói em thích ca Huế từ nhỏ khi nghe bà ngoại ca, nhưng thật sự hiểu giá trị của ca Huế khi gặp mệ Mẫn.
Ngay cả khi mệ quá yếu chỉ nằm trên giường, nhưng mỗi khi em đến mệ vẫn khiến “hát bài ni, hát bài nớ cho mệ nghe coi” rồi sửa từng chữ. Đêm nay, Vũ cũng tiễn thầy bằng một bài Tương tư khúc do cậu viết lời, ca sĩ Diệu Bình biểu diễn.
Một đêm chia tay người đi xa mà không nghe tiếng khóc, chỉ có tiếng đàn và tiếng hát càng lúc càng nồng say. Nếu không bước vào con hẻm đó, bạn sẽ nghĩ rằng nhà ai đang mời đoàn ca Huế về hát chơi.
Nhà thơ Võ Quê – chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng – cho biết đây là nghi thức truy điệu của các nghệ sĩ ca nhạc truyền thống ở Huế, ra đời khoảng vài năm gần đây.
“Đến giờ đã thành lệ, nghệ sĩ nào qua đời, chúng tôi cũng tiễn biệt bằng một đêm tri âm như thế!” – Võ Quê nói.
Điều tuyệt vời là không chỉ nghệ sĩ, mà cả người chủ đò ca Huế hay một người bất kỳ yêu môn nghệ thuật này khi qua đời, các nghệ sĩ cũng tiễn biệt họ bằng cung cách đầy thăng hoa như thế!
Cô hàng xén Nguyễn Thị Mẫn sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở làng quê xứ Sịa, ngoại thành Huế, quyết vượt qua rào cản của định kiến “xướng ca vô loài” để trở thành nghệ sĩ Minh Mẫn. 13 tuổi đã hát được các làn điệu ca Huế như Kim tiền, Cổ bản, Nam xuân, Ngũ đối…
Năm 18 tuổi, Minh Mẫn đã là một trong bốn giọng ca Huế nổi tiếng (cùng Minh Điền, Bích Liễu, cô Năng), gia nhập đoàn Kim Sanh, được vua Bảo Đại hâm mộ và nhiều lần hát cho vua nghe.
Nguồn: tuoitre.vn