Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của tờ trình điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Tổng cục Đường bộ trình Bộ Giao thông vận tải.
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam có 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km.
Tuy nhiên, tờ trình của Tổng cục Đường bộ đề xuất bổ sung thêm một số tuyến cao tốc ở khu vực phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam nên tổng số km đường cao tốc được nâng lên 6.814 km, tăng 403 km so với quy hoạch hiện nay.
Theo Tổng cục Đường bộ, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, căn cứ nhu cầu thực tế về nguồn lực, nhu cầu vận tải sẽ nghiên cứu thực hiện đầu tư một số tuyến cao tốc, trong đó ưu tiên các tuyến: Lai Châu – Bảo Hà (Lào Cai); Sơn La – Điện Biên; kết nối từ cao tốc Nội Bài – Lào Cai tới Hà Giang; Pleiku (Gia Lai) – Cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai); Chơn Thành (Bình Phước) – Cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước); nút giao Cao Bồ (Ninh Bình) – Thịnh Long (Nam Định); Trung Lương – Bình Liêu.
Về tình hình đầu tư các tuyến cao tốc theo quy hoạch được phê duyệt năm 2016, Tổng cục Đường bộ cho biết đến thời điểm hiện tại và tính cả các đoạn tuyến đang triển khai thi công dự kiến hoàn thành trước năm 2020 thì tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ hoàn thành và đưa và khai thác 470 km, đạt 40,90%.
Nếu tính thêm các tuyến đang xây dựng có khả năng hoàn thành trước năm 2020 thì tổng số km đường cao tốc được xây dựng trước năm 2020 là 2.120 km đạt 78,43%.
Nguồn: tuoitre.vn