‘Mẹ ơi thầy xé hết mấy bức vẽ của con. Thầy còn lấy chân giậm lên những mảnh giấy ấy và thầy bắt phạt con đứng trong góc lớp hết tiết học’.
Tôi xin kể một câu chuyện giữa thầy giáo dạy mỹ thuật và con tôi. Trước năm học ấy, cháu đã đoạt giải nhì cuộc thi vẽ tranh cho trẻ em cấp thành phố. Đối với môn mỹ thuật, cháu vô cùng hào hứng.
Một buổi chiều đến đón con, tôi thấy con ào vào lòng tôi khóc òa. Đợi con bình tĩnh lại, tôi hỏi chuyện. Cháu lại nức nở: “Mẹ ơi, thầy xé hết mấy bức vẽ của con. Thầy còn lấy chân giậm lên những mảnh giấy ấy và thầy bắt phạt con đứng trong góc lớp hết tiết học”.
Cháu lục cặp đưa cho tôi quyển vở mỹ thuật của cháu. Những trang giấy còn nham nhở vết xé. Trên góc vở, thầy viết: “Đề nghị phụ huynh không được làm giúp học sinh”. Nét chữ của thầy chắc dằn mạnh lắm nên hằn qua cả mặt giấy phía sau.
Tôi hỏi con sao không giải thích với thầy. Cháu trả lời giọng còn mếu máo: “Con nói con vẽ nhưng thầy không chịu. Thầy nói con nít làm sao vẽ đẹp vậy?”.
Tôi đưa con về. Dỗ dành cho con nguôi ngoai. Nếu con tổn thương một thì một người mẹ như tôi tổn thương mười.
Nghĩ đến cảnh thầy giậm chân lên từng mảnh giấy vẽ của cháu, nghĩ đến cảnh cháu đứng một mình nơi góc lớp, tôi đau lòng. Nhưng tôi chọn giải pháp im lặng vì không muốn con mình trở thành tâm điểm chú ý của thầy cô, bạn bè nếu tôi đến trao đổi với thầy giáo.
Và cũng từ đó, cháu không bao giờ tham gia bất cứ một cuộc thi vẽ tranh nào do trường lớp tổ chức, dù cháu đã tốt nghiệp hệ sơ cấp và trung cấp mỹ thuật ở một trường nghệ thuật của tỉnh.
Cháu nói cháu vẽ vì đam mê cá nhân, cháu không muốn tham gia các cuộc thi mỹ thuật rồi để thầy cô phán xét. Ước mơ đi theo ngành kiến trúc của cháu cũng đã bị thui chột ngay từ tổn thương ấy.
Giờ đây, cháu đã sắp tốt nghiệp đại học. Nhưng tôi vẫn tin rằng trong sâu thẳm, hình ảnh những mảnh giấy bay lả tả dưới bàn tay của thầy giáo mỹ thuật vẫn làm cháu ám ảnh.
Tôi viết ra câu chuyện này như một sự chia sẻ. Có lẽ người thầy giáo ấy không bao giờ biết thầy đã làm tan vỡ đam mê và ước mơ của một đứa trẻ hồn nhiên.
Ở góc độ một phụ huynh, tôi cũng không bao giờ oán trách gì thầy giáo cả. Tôi hiểu thầy cô giáo thật khó ôn hòa, bĩnh tĩnh khi phải quản lý cả một lớp mấy chục học sinh.
Nhưng khi đứng trước một tình huống sư phạm, nếu thầy cô biết đặt niềm tin vào trẻ, biết lắng nghe, biết yêu thương thì tôi nghĩ thầy cô sẽ xử lý khéo léo hơn để không làm trái tim trẻ hằn lên những tổn thương đau đớn.
Đã bao giờ bạn gặp trường hợp giáo viên phạt con mình một cách quá đáng, gây tổn thương cho trẻ? Đã bao giờ bạn gặp những trường hợp giáo viên phạt con mình nhưng đã khiến trẻ thay đổi một cách tích cực? Bạn đã từng phạt học sinh của mình như thế nào, hiệu quả ra sao? Mời bạn đọc gửi bài về cho Tuổi Trẻ qua mail: giaoduc@tuoitre.com.vn.
Nguồn: tuoitre.vn