Bộ Công thương cho rằng việc áp thuế chống bán phá giá quá cao với cá tra – basa của Việt Nam là không khách quan, có tính bảo hộ hàng hóa và đề nghị xem xét lại mức thuế này.
Ngày 19-3, Bộ Công thương đề nghị Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế chống bán phá giá đối mặt hàng cá tra đông lạnh của các công ty của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Vào ngày 15-3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra – basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ ngày 1-8-2015 tới 31-7-2016).
Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra – basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 – 7,74 USD//kg cho giai đoạn rà soát nói trên.
Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra – basa của Việt Nam sang Mỹ.
Cơ quan này đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để trao đổi thông tin và nêu ý kiến với các cơ quan chức năng của Mỹ.
Trong suốt quá trình rà soát, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực phối hợp, cung cấp thông tin cho DOC nhưng DOC vẫn quyết định sử dụng dữ liệu bất lợi sẵn có (AFA) để xác định mức thuế cuối cùng.
Đồng thời, DOC cũng thay đổi thông lệ điều tra của mình khi áp mức thuế rất cao tính theo AFA cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra – basa của Việt Nam, thảo luận tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn: tuoitre.vn