Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal có khả năng dẫn đến khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và Anh. Mỹ đã nhảy vào cuộc với tâm thế ngả về London.
Vụ việc đã trở nên cao trào về tranh cãi cấp cao giữa hai nước Anh và Nga khi Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng “có khả năng cao” Nga phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc trên.
Bà lại phát biểu điều này trước Quốc hội Anh vào ngày 12-3, tức là khi bà đã nắm trong tay một số thông tin gì đó xác thực có từ cuộc điều tra đang được tiến hành tích cực của lực lượng chuyên môn của Anh.
Thủ tướng May cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ đầu độc này, hoặc Matxcơva để cho chất độc thần kinh Novichok (loại được phát triển thời Liên Xô những năm 1970 – 1980) rơi vào tay những đối tượng khác.
Theo báo Huffington Post, London thông báo rằng đặt ra thời hạn đến hết ngày 13-3 để cho Matxcơva có câu trả lời thỏa đáng về vụ việc. Nếu không London sẽ có các biện pháp đáp trả trong đó có thể gồm việc triệu hồi các nhà ngoại giao và kêu gọi sự phối hợp từ các đồng minh NATO.
Ngay lập tức Matxcơva đã phản pháo. Bà Maria Zakharova – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng những gì đang diễn ra trong Quốc hội Anh về vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang gốc Nga Sergei Skripal là “một màn diễn xiếc”.
“Đây lại là một chiến dịch thông tin – chính trị dựa trên sự khiêu khích”, bà Zakharova nhấn mạnh.
Trong khi đó, Mỹ cũng bắt đầu nhảy vào cuộc dẫu lời lẽ còn chừng mực nhưng có tín hiệu ngã về London. Bà Sarah Sanders, phát ngôn viên của Nhà Trắng, tố cáo vụ tấn công là “vô trách nhiệm” và nhấn mạnh: “Sử dụng chất độc chết người chống lại công dân Anh trên lãnh thổ Anh là một điều đáng xấu hổ”.
Khi được hỏi về vai trò của Matxcơva trong vụ việc, bà Sanders chỉ trả lời chung chung: “Chúng tôi đứng về phía đồng minh của mình và ủng hộ Anh hoàn toàn”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết đã điện đàm với người đồng cấp Anh Boris Johnson vào ngày 12-3 và ông khẳng định không biết chính quyền Matxcơva có đứng sau vụ việc hay không nhưng ông tin rằng vụ ngày do người Nga thực hiện.
Ngay từ ngày 5-3, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã so sánh vụ việc này với vụ đầu độc ông Litvinenko ở London năm 2006 và đe dọa trừng phạt Nga nếu phát hiện Matxcơva có liên quan.
Năm 2004, ông Skripal bị Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) bắt giữ và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội Tổ quốc, đồng thời bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu.
Sáu năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên.
Điện Kremlin cũng lên tiếng trong ngày 12-3, phủ nhận đứng đằng sau vụ đầu độc Sergei Skripal. Ông Dmitry Peskov – người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin, cho biết cựu điệp viên Skripal làm việc cho tình báo Anh và bị đầu độc trên lãnh thổ Anh, vì vậy vụ việc “không liên quan tới Nga, chứ đừng nói gì đến giới lãnh đạo Nga”.
Ngày 4-3 vừa qua, ông Skripal và người con gái Yulia được tìm thấy trong trạng thái bất tỉnh trên một chiếc ghế trong công việc tại thành phố Salisbury phía tây nam nước Anh.
Hiện hai người đang được điều trị tích cực trong bệnh viện và trong tình trạng nguy kịch dù đã ổn định.
Thông tin cho biết khu vực mà hai người được phát hiện bị bất tỉnh đã được phong tỏa để điều tra và khử độc. Có đến hơn 200 người nằm trong vòng tiếp xúc gần với hai nạn nhân đã được khuyến cáo kiểm tra sức khỏe
Cảnh sát chống khủng bố quốc gia Anh đã tiếp nhận cuộc điều tra này như một vụ mưu sát.
Ngay ngày 6-3 Điện Kremlin đã lên tiếng cho biết sẵn sàng hợp tác nếu Anh đề nghị Matxcơva hỗ trợ trong việc điều tra.
Phát biểu với báo giới khi được hỏi liệu các nhà chức trách Anh có liên lạc tìm kiếm sự giúp đỡ hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Không ai liên lạc với chúng tôi với yêu cầu như vậy. (Nếu có) Matxcơva luôn sẵn sàng hợp tác”.
Nguồn: tuoitre.vn