Theo bảng xếp hạng chất lượng đại học (ĐH) châu Á năm 2018 do tạp chí Times Higher Education vừa công bố, Việt Nam không có một đại diện nào.
Theo trang web của tạp chí Times Higher Education, ĐH Quốc gia Singapore tiếp tục giữ ngôi đầu trong bảng xếp hạng đại học châu Á sau khi tiếp tục cải thiện môi trường giáo dục và nghiên cứu của họ, nhận được nhiều đánh giá khen ngợi hơn và cũng có mức thu nhập cao hơn.
Trong khi đó, Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử 6 năm của bảng xếp hạng này đã vượt qua Đại học Peking (cùng có trụ sở tại Bắc Kinh) để trở thành đại học Trung Quốc chiếm thứ hạng cao nhất trong bảng này.
Đại học Thanh Hoa có số công trình nghiên cứu công bố lớn mạnh hơn so với Đại học Peking. Thanh Hoa cũng đã tăng thêm nguồn thu nhập từ nghiên cứu với tỉ lệ nhanh hơn so với đối thủ cùng có trụ sở tại Bắc Kinh với họ.
Không trường đại học nào của Việt Nam có mặt trong danh sách xếp hạng của tạp chí Times Higher Education.
Các tác giả của bảng xếp hạng giáo dục đại học châu Á nhận định, mặc dù Singapore vẫn là nước dẫn đầu về chất lượng đại học, song các trường đại học của Trung Quốc cũng đang thể hiện xu thế đi lên ngày càng mạng mẽ của họ về chất lượng đào tạo.
Về tổng thể, Trung Quốc có 63 trường đại học lọt vào danh sách xếp hạng của Times Higher Education, nhiều trường trong đó đã thể hiện rõ sự tiến bộ trong năm nay, trong đó có không ít những trường thuộc nhóm từng bị đánh giá là “chiếu dưới”.
Tuy nhiên với bảng xếp hạng năm 2018, một lần nữa Nhật Bản là quốc gia chiếm ưu thế vượt trội với 89 trường đại học có trong danh sách xếp hạng.
Đặc khu kinh tế Hong Kong cũng ghi nhận thành công với 3 trường đại học của họ lọt vào top 10, nhiều hơn bất cứ một vùng lãnh thổ hay đặc khu nào khác. Họ cũng có 6 trường đại học lọt top 60.
Tại khu vực Đông Nam Á, trường Đại học Malaya của Malaysia cũng lần đầu tiên lọt top 50 và Indonesia tăng gấp đôi số đại diện của họ, giành 4 vị trí trong bảng xếp hạng của năm 2018.
Thái Lan và vùng lãnh thổ Đài Loan năm nay đều có nhiều trường bị rớt khỏi danh sách xếp hạng. Còn Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nhiều trường bị rớt khỏi danh sách.
Bảng xếp hạng năm nay xếp hạng hơn 350 trường đại học ở châu Á, cao hơn so với 300 trường năm ngoái. Đây là các trường của 25 quốc gia, vùng lãnh thổ của châu lục.
Top 5 đại học hàng đầu châu Á theo bảng xếp hạng của tạp chí Times Higher Education – Ảnh chụp lại màn hình
Xếp hạng đại học, mỗi nơi một tiêu chuẩn
Bảng xếp hạng đại học mới nhất của tạp chí Times Higher Education không có trường Việt Nam nào gây nhiều thắc mắc, không rõ cách xếp hạng ra sao.
Trước đó tháng 10-2017, bảng xếp hạng QS World University Rankings xếp ĐH Quốc gia TP.HCM ở thứ 142 và ĐH Quốc gia Hà Nội thứ 139 trong Top 400 trường ĐH châu Á.
Với nhiều bảng xếp hạng đại học, nên tin bảng xếp hạng nào?
Bảng xếp hạng của The Times Higher Education (báo THES – tờ báo chuyên đề báo cáo các vấn đề giáo dục ĐH, có trụ sở ở London) cung cấp danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới, đánh giá các trường đại học với những sứ mệnh cốt lõi như giảng dạy, nghiên cứu, truyền đạt kiến thức và triển vọng quốc tế.
Nhờ vào yếu tố toàn diện, đây là một trong những bảng xếp hạng được các sinh viên tương lai chú ý đến.
Trong khi đó, bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings) là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), Anh quốc.
Đây cũng được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới. Bốn tiêu chí đánh giá gồm: nghiên cứu, giảng dạy, việc làm và triển vọng quốc tế.
Do các tiêu chí và cách thu thập thông tin đánh giá khác nhau nên các bảng xếp hạng có nhiều khác biệt. Chẳng hạn giai đoạn 2015-2016, QS xếp Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đứng đầu thế giới, ĐH Cambridge đứng đầu Vương quốc Anh (top 3 thế giới).
Trong khi đó, bảng xếp hạng của THES lại cho rằng Học viện Công nghệ California đứng đầu thế giới và ĐH Oxford đứng đầu nước Anh (top 2 thế giới).
Nguồn: tuoitre.vn