Thay đổi sợi bọc tuyến vú (còn gọi là xơ nang tuyến vú) là chứng bệnh khá phổ biến nhưng khiến không ít người hoang mang. Dưới đây là một số “bí quyết” giúp chị em nhận biết và hạn chế diễn tiến sợi bọc tuyến vú thay đổi.
Nhiều chị em từ độ tuổi sinh đẻ trở lên gặp rắc rối về “núi đôi” của mình như cảm thấy có các u cục gì đó cứng cứng trong ngực, đau âm ỉ… Điều này làm họ vô cùng hoang mang vì lo rằng liệu đây có phải là triệu chứng của bệnh ung thư vú?
Theo một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 60% các cục u trong vú phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không phải là ung thư và trên 90% phụ nữ ở vào tuổi tiền mãn kinh có thay đổi sợi bọc tuyến vú và được xem là một biểu hiện của quá trình lão hóa.
Các cách hạn chế diễn tiến của sợi bọc tuyến vú.
Do rối loạn nội tiết tố nữ, không nguy hiểm
Nguyên nhân chính gây ra sự thay đổi này là do ảnh hưởng của tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ.
Bởi vì theo sinh lý bình thường của người phụ nữ, mỗi chu kỳ kinh nguyệt chịu ảnh hưởng tác động của estrogen và progesterone làm mô tuyến vú giãn ra, giữ nước và căng lên, đôi lúc khi sờ nắn có cảm giác như cục u, bướu. Sau khi hành kinh, các cảm giác này giảm dần rồi trở lại bình thường.
Trải qua nhiều chu kỳ kinh nguyệt, việc kích thích này cứ lặp đi lặp lại làm cho mô tuyến vú trở nên chắc và hình thành các nang nhỏ chứa dịch trong các ống dẫn bị tắc hoặc bị giãn.
Đôi khi có tình trạng mất quân bình giữa estrogen và progesterone xảy ra ở người tiền mãn kinh hoặc người thường xuyên bị stress.
Khi đó tuyến vú có những vùng tạo thành những u cục hay những mảng chắc gồ lên dưới da hoặc những hạt rất nhỏ rải rác khắp hai vú đó là thay đổi sợi bọc tuyến vú.
“Bí quyết” hạn chế diễn tiến của sợi bọc tuyến vú
Dưới đây là một số “bí quyết” để hạn chế diễn tiến sợi bọc tuyến vú thay đổi:
1. Tránh stress bằng cách luôn tạo cho mình một trạng thái tâm lý thoải mái, vui vẻ, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng chế độ dinh dưỡng.
2. Nên bổ sung nhiều vitamin nhóm B, lượng canxi có trong bơ sữa, tăng lượng magie có trong trái cây, rau củ quả để giảm ứ nước, giảm căng ngực.
3. Ăn lạt, hạn chế muối. Ăn nhiều cam, quýt, chuối, tránh các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá, uống nhiều nước, bổ sung vitamine B6, magie, kali.
4. Chỉ dùng thuốc giảm đau khi đau và tăng nhạy cảm nhiều ở vú.
5. Chườm nóng tại chỗ, dùng áo ngực mỏng.
6. Điều trị ngoại khoa chỉ thực hiện khi các nang chứa dịch to căng đau hoặc nghi ngờ ác tính.
Cách phòng tránh bệnh
Chị em phụ nữ nên đi khám ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra nếu xuất hiện những dấu hiệu sau:
1. Bất cân xứng giữa hai vú.
Đứng trước gương, cởi trần quan sát và so sánh hai bên vú. Nếu thấy không cân đối có sự khác biệt về hình dạng và kích thước của hai vú, bạn hãy đi khám ngay.
2. Tiết dịch hoặc biến dạng “núi đôi”. Núm vú biến dạng, thụt vào trong, hay tiết dịch từ núm vú có kèm máu. Da của núm vú có thể trở nên sần sùi, hay viêm ửng đỏ hay màu đốm cam…
3. Xuất hiện khối u hoặc hạch ở nách.
Hạch xuất hiện đó có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú.
Tóm lại chị em phụ nữ có thể thường xuyên tự kiểm tra vú mỗi khi tắm và khi phát hiện dấu hiệu bất thường ở vú như u cục, hạch nách hoặc tiết dịch vú… thì nên đi khám ngay để được bác sĩ có hướng tư vấn và điều trị tốt nhất cho bạn.
Khám, siêu âm kiểm tra vú định kỳ (6 tháng/lần) cũng là biện pháp để phát hiện sớm ung thư.
Cách nhận biết
Triệu chứng rõ rệt nhất để nhận biết sự thay đổi này là “núi đôi” đau nhói, xảy ra trong thời kỳ kinh nguyệt, nhất là ở giai đoạn tiền mãn kinh. Ngoài ra, các chị em phụ nữ cũng có thể tự nhận biết bằng cách sờ nắn “núi đôi” thì thấy các mảng hoặc dạng cục ở vú.
Khi siêu âm hay nhũ ảnh có thể phát hiện được dạng này.
Nguồn: tuoitre.vn