Sau trận đánh vào Dinh Độc Lập đợt Tổng tấn công Mậu Thân 1968, ông Năm Lai bị truy nã, treo thưởng 2 triệu USD cho ai phát hiện.
Bà Đặng Thị Thiệp gửi hai con nheo nhóc cho người quen chiều 28 Tết Mậu Thân 1968. Theo lời dặn của chồng từ quận Phú Nhuận, bà lên căn nhà bí mật ở đường Trần Quý Cáp – nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.
Đợi cửa chờ chồng trong ráng chiều chập choạng, bà Thiệp lòng thấp thỏm bởi theo kế hoạch chuyến vũ khí lẽ ra đã được chuyển về từ hôm trước. Chỉ đến khi thấy ông Trần Văn Lai (Năm Lai) lái chiếc xe bán tải chất đầy giỏ cần xé vào sân, bà mới thở phào. Xung quanh, hàng xóm là những gia đình người Hoa đang tất bật chuẩn bị Tết, không ai để ý đến vợ chồng bà.
Cùng vợ khiêng những giỏ cà chua, dưa leo… và một chậu mai bắt đầu bung nở vào nhà, ông Lai thì thầm bảo sau trận này sẽ ăn một cái Tết thật to. Ông lấy lớp trái cây, rau quả phía trên ra, bên dưới là đầy ắp súng, lựu đạn, kíp nổ.
“Đây đã là chuyến cuối, tôi chỉ mong đến ngày đi đánh”, ông vừa nói vừa giở nắp căn hầm đúc bằng khuôn sắt dày, vừa khít 6 viên gạch hoa, nằm giữa phòng khách. Ông nhanh chóng chui xuống, ra hiệu cho bà chuyển từng thứ vũ khí vào trong.
Ông Trần Văn Lai kiểm tra hầm vũ khí bí mật. Ảnh tư liệu.
|
Năm Lai đã trải qua nhiều trận đánh vào sinh ra tử suốt 10 năm kháng chiến chống Pháp. Sau 1954, ông được lệnh không tập kết ra Bắc, mà ở lại Sài Gòn xây dựng cơ sở. Ông kết duyên với chiến sĩ biệt động Phan Thị Phan Chính (Phan Thị Chinh).
Với khả năng tháo vát, giỏi giang, ông Lai trở thành nhà thầu khoán, chuyên trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập rồi đổi tên thành Mai Hồng Quế. Bằng tài làm ăn, chỉ trong thời gian ngắn, ông Lai trở thành một trong những nhà tài phiệt giàu có ở Sài Gòn, quan hệ với các chức sắc cấp cao của chế độ cũ.
Năm 1964, sau khi bảo lãnh hai cán bộ cao cấp tại nhà tù Côn Đảo về Sài Gòn, rồi lén đưa ra khu căn cứ, bà Chinh bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam, tra tấn khiến bà bệnh nặng và mất vào cuối năm đó.
Nén nỗi đau thương, ông Năm Lai dần dà mua hơn 30 căn nhà nằm rải rác ở nhiều nơi, gầy dựng cơ sở liên lạc. Hơn một năm sau, cơ duyên cho ông Lai gặp bà Thiệp ở căn cứ Củ Chi. Tin tưởng tuyệt đối vào cô con gái của một gia đình cách mạng, ông đưa bà về nội thành.
Suốt từ năm 1965 đến 1968, bà Thiệp làm hậu phương vững chắc, cùng ông Lai đào hầm, vận chuyển, tập kết vũ khí, nuôi giấu lãnh đạo.
Bằng vỏ bọc nhà thầu khoán giàu có, ông Lai chọn hơn 10 căn nhà có vị trí thuận lợi để thiết kế, đào hầm với công năng khác nhau như chứa người, vũ khí, thư bí mật… Đặc biệt, ba nhà liền kề (số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) đều có hầm rộng thông nhau và có đường thoát bí mật.
Ông Năm Lai đã thức trắng nhiều đêm suy nghĩ việc đào hầm mà không ngập nước; không ngộp; để vũ khí, thuốc nổ lâu dài không gỉ sét. Hàng đêm, được sự giúp sức của vợ, ông tỉ mỉ đào, múc từng xe đất rồi đem đổ đi xa phi tang.
Giúp sức cho vợ chồng ông còn có chiến sĩ biệt động Ba Bảo – suốt nhiều năm như con thoi chở cả trăm chuyến vũ khí từ căn cứ vào cung cấp cho 12 căn hầm.
Cuối năm 1967, tổng cộng hơn 2 tấn vũ khí với thuốc nổ TNT, kíp nổ, nụ xòe, súng B40, B41, AK, lựu đạn, đạn AK từ vùng ven Củ Chi đã “nằm im” trong căn hầm bí mật của Năm Lai.
Bà Đặng Thị Thiệp vợ cố chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai và ông Phan Văn Hôn – nhân chứng trận đánh Dinh Độc Lập – bên các hiện vật trong căn hầm của ông Lai. Ảnh: Thành Nguyễn.
|
Nhà thầu khoán bị truy nã 2 triệu USD
Lệnh tổng tiến công diễn ra vào đêm Mùng 1 rạng sáng Mùng 2 Tết Mậu Thân. Chỉ trước đó vài giờ, các đội biệt động Sài Gòn mới được phổ biến đánh vào từng mục tiêu cụ thể như: Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát…
15 chiến sĩ biệt động Đội 5 do Ba Thanh chỉ huy, tập kết về nhà ông Năm Lai, nhận vũ khí đánh vào Dinh Độc Lập. Đến giờ G, ông Năm Lai lái xe đưa đồng đội đến gần mục tiêu rồi quay về hầm tiếp viện cho các mục tiêu khác.
Sau cuộc tổng tiến công lực lượng biệt động hy sinh, tổn thất lớn. Hầm vũ khí của Năm Lai nhanh chóng bị phát hiện, ông trốn thoát và được cơ sở nuôi giấu. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sau đó truy nã ông, treo thưởng 2 triệu USD cho ai tố giác. Toàn bộ nhà cửa, tài sản, xe cộ của ông bị tịch thu.
Suốt nhiều năm mai danh ẩn tích, Năm Lai tìm đường ra Bắc rồi bị bắt hai lần, bị tra tấn nhưng ông quyết không khai. Ông được vợ hết lòng chở che, chuộc ra khỏi tù, tuyệt đối không để lộ thân phận.
Sau giải phóng ông cùng vợ bán trứng vịt lộn, rau má, nuôi con như bao gia đình bình thường khác. Mãi đến năm 2015, 13 năm sau ngày mất, ông mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Các nữ giao liên góp phần vận chuyển vũ khí từ vùng ven vào các hầm bí mật nội thành Sài Gòn, bên cạnh hiện vật được phục dựng. Ảnh: Thành Nguyễn.
|
Hiện, gia đình ông đã lần lượt tìm kiếm, chuộc lại những chiếc xe chuyên chở vũ khí trước đây để hiến cho bảo tàng. Hai trong ba căn nhà liền kề có hầm bí mật ở đường Nguyễn Đình Chiểu đã được ông Trần Vũ Bình (con trai ông Năm Lai) thuyết phục mua lại của dân, phục dựng nguyên trạng và trở thành Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Mở cửa năm 2005, hầm vũ khí đón vị khách đặc biệt tới thăm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mới đây, ông Trần Vũ Bình tiếp tục phục dựng thêm một căn nhà của cha trên đường Đặng Dung (quận 1) – nơi có nhiều hầm nhỏ chứa tài liệu.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngày 31/1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm hầm vũ khí của ông Năm Lai. Tổng bí thư khen ngợi truyền thống của gia đình bà Thiệp và động viên cố gắng phát huy, giữ gìn khu di tích độc đáo, hào hùng này.
Cuộc Tổng tiến công của lực lượng Biệt động Sài Gòn nói riêng và của quân giải phóng trên toàn miền Nam nói chung tuy tổn thất lớn về lực lượng nhưng được đánh giá là gây tiếng vang tại Mỹ và trên toàn thế giới. Thắng lợi này có tầm vóc lớn về chiến thuật của quân đội nhân dân Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng để Mỹ xuống thang chiến tranh, đi đến đàm phán tại Hội nghị Paris năm 1973.
Theo VnExpress