Bình Phước đang trên đà phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh từ tỉnh đến cơ sở, nhất là từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Kéo theo đó là mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) ngày càng “sốt”, vì thế việc khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về tài nguyên khoáng sản làm VLXD càng được chú trọng. Do vậy, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để hoạt động của lĩnh vực này đi vào nền nếp hơn.
GIÁ TRỊ SẢN XUẤT VLXD TĂNG TRƯỞNG KHOẢNG 5%/NĂM
Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Bình Phước nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về tài nguyên khoáng sản làm VLXD. Đổi mới công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường vào sản xuất để nâng cao chất lượng, sản lượng các loại VLXD nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong tỉnh và cung cấp một số chủng loại ra ngoài tỉnh. Phát triển VLXD nhằm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Đá 1×2 là vật liệu xây dựng chính trong các công trình. Trong ảnh, đá 1×2 tại công trình xây dựng ở ấp 2, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) – Ảnh: B.L
Theo đó, mục tiêu cụ thể: Từ nay đến năm 2020, giá trị sản xuất VLXD đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5%/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Đến năm 2020, sản xuất VLXD đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực, có mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, sản phẩm chất lượng cao, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.
Về phương án quy hoạch giai đoạn từ nay đến năm 2020: Đối với xi măng: Phát huy hết công suất các nhà máy xi măng hiện có, tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án đã có trong quy hoạch xi măng. Tiếp tục phát triển và hoàn thiện các nhà máy sản xuất xi măng gồm: Nhà máy xi măng Bình Phước – Công ty cổ phần xi măng Vicem Hà Tiên, xã Thanh Lương (Bình Long); Nhà máy xi măng Bình Phước – Dự án Bình Phước 2; Nhà máy xi măng DIC Bình Phước – Công ty cổ phần đầu tư và thương mại DIC tại Khu công nghiệp Chơn Thành (xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành); Nhà máy xi măng Minh Tâm, xã Minh Tâm (Hớn Quản); Nhà máy xi măng An Phú tại xã An Phú (Hớn Quản). Dự kiến tổng công suất sản xuất xi măng trong tỉnh đến năm 2020 khoảng 5,96 triệu tấn/năm; 3,6 triệu tấn clanhke/năm.
Đối với VLXD, về gạch đất sét nung: Tổng công suất thiết kế khoảng 520 triệu viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, trong đó công suất thiết kế các dự án đang sản xuất là 400 triệu viên/năm, các dự án dự kiến phát triển thêm là 120 triệu viên/năm. Dừng hoạt động các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo đúng lộ trình quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Phát huy hết công suất các cơ sở gạch tuynel đang hoạt động; tiếp tục triển khai các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian qua nhưng chưa triển khai hoặc chậm tiến độ. Tiếp tục đầu tư chiều sâu, đầu tư công nghệ, thiết bị tại các cơ sở sản xuất gạch tuynel có nguồn nguyên liệu tốt. Tập trung khai thác vùng nguyên liệu xa khu dân cư và thuộc quy hoạch khoáng sản làm VLXD…
Gạch không nung: tổng công suất thiết kế đến năm 2020 đạt khoảng 183 triệu viên QTC/năm, trong đó công suất thiết kế các dự án đang sản xuất là 53 triệu viên QTC/năm, các dự án dự kiến phát triển thêm khoảng 130 triệu viên QTC/năm. Duy trì sản xuất, phát huy hết công suất, tùy điều kiện của các cơ sở để mở rộng, nâng cao công suất tại các cơ sở gạch xi măng cốt liệu hiện có. Mỗi huyện, thị xã được đầu tư thêm 1-2 cơ sở với công suất cho 1 dây chuyền từ 10 triệu viên QTC/năm trở lên. Ưu tiên đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp tập trung tại các địa bàn thuận lợi về nguồn nguyên liệu sản xuất như Đồng Xoài, Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bình Long, Bù Đốp.
Về vật liệu lợp: Đa dạng hóa chủng loại sản phẩm tấm lợp sản xuất trên địa bàn; phát triển thêm tấm tôn xốp 3 lớp cách âm, cách nhiệt, ngói màu, ngói xi măng cốt sợi để đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh. Duy trì sản xuất vật liệu lợp tại các cơ sở hiện có với tổng công suất thiết kế khoảng 6,2 triệu m2/năm. Đá xây dựng: phát huy hết công suất các cơ sở đang khai thác, chế biến đá xây dựng đã cấp giấy phép. Đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất, khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cát xây dựng: Duy trì khai thác cát trên cơ sở quản lý chặt chẽ việc thực hiện đúng các quy định khai thác cát lòng sông. Các đơn vị được cấp giấy phép khai thác phải áp dụng cơ giới hóa và cải tiến công nghệ khai thác cát để nâng công suất và đảm bảo môi trường. Kiên quyết xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. Ưu tiên đẩy mạnh thăm dò và đưa vào khai thác các mỏ cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng, xã Tân Hiệp (Hớn Quản) với công suất thiết kế khoảng 70.000m3/năm trở lên. Tổng nhu cầu cát trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 khoảng 360 ngàn m3/năm…
HƯỚNG ĐẾN CẠNH TRANH TRÊN THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI
Định hướng phát triển sản xuất VLXD đến năm 2030: Sau năm 2020, ngành sản xuất VLXD sẽ chỉ đầu tư những công nghệ tiên tiến, hiện đại có trình độ cơ giới hóa, tự động hóa cao tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới và khu vực. Sản xuất VLXD đảm bảo được các quy định về chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, có thể cạnh tranh trên thị trường ngoài nước. Lĩnh vực khai thác chế biến nguyên liệu sẽ tập trung vào chế biến sâu nguyên liệu thành sản phẩm hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Không xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm để giữ gìn nguồn tài nguyên khoáng sản không thể tái tạo. Giai đoạn 2020-2030, ngành công nghiệp sản xuất VLXD tỉnh được phân bố theo hướng hình thành các khu, cụm công nghiệp VLXD tập trung, sản xuất nhiều chủng loại để tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nhau trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thuận lợi trong quản lý. Bố trí các khu, cụm công nghiệp VLXD ở khu vực ngoại vi đô thị, xa khu dân cư. Hình thành các siêu thị VLXD tại các khu đô thị để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện cho người sử dụng dễ tiếp cận.
Để thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp chủ yếu: Giải pháp về cơ chế chính sách gồm: Điều tra cơ bản và mở rộng phát triển thị trường. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực kết hợp với phát triển khoa học – công nghệ: Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ khoa học – kỹ thuật và công nhân lành nghề có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công tác nghiên cứu khoa học – kỹ thuật cần tập trung vào giải quyết những khó khăn trong sản xuất và áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất như nghiên cứu chế tạo các sản phẩm vật liệu xây, lợp không nung từ nguồn nguyên liệu tại chỗ dùng cho xây dựng ở nông thôn… Giải pháp về khuyến khích đầu tư: Tập trung nguồn lực, cải tiến công nghệ, sử dụng công nghệ xanh không gây ô nhiễm môi trường, mở rộng sản xuất tại các cơ sở hiện có.
Bên cạnh đó, giải pháp bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên cũng được chú trọng. Để phát triển một cách bền vững, các dự án đầu tư mới phải lựa chọn công nghệ tiên tiến và bố trí vào các khu công nghiệp tập trung để có phương án xử lý ô nhiễm về bụi, tiếng ồn và chất thải; thực hiện đấu thầu theo quy định pháp luật trong khai thác khoáng sản, gắn khai thác khoáng sản với chế biến; thường xuyên kiểm tra xử lý tình trạng không chấp hành phạm vi an toàn khai thác cát sông. Giải pháp về quản lý nhà nước: Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thẩm định, cấp phép đầu tư, giao đất cho thuê đất đối với các nhà đầu tư…
Nguồn Báo Bình Phước