Thống kê từ năm 2012 đến nay, mỗi năm VN trung bình có gần 1.500 trẻ là nạn nhân ấu dâm. Theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, 93% trẻ bị xâm hại tình dục từ người thân, người quen, nghĩa là nguy cơ này có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào.

Mạnh mẽ lên tiếng chống nạn ấu dâm - Ảnh 1.

Đồ họa

Còn theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, từ năm 2014 đến 2017, toàn quốc phát hiện khoảng 5.550 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Riêng năm 2017 phát hiện 1.397 vụ, tăng 186 nạn nhân so với 2016. Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu là trẻ em gái (chiếm trên 80%). Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn chưa có tiền án tiền sự, nhiều người có quan hệ gần gũi với nạn nhân như người ruột thịt, hàng xóm ở gần nhà, thầy giáo, người yêu…

“Voices out” – dũng cảm lên tiếng

Trong căn phòng nhỏ của triển lãm Voices out vừa được OpenM (một doanh nghiệp xã hội) tổ chức trong tháng 1-2018 phơi bày những câu chuyện đau đớn bằng những bức ảnh đen trắng mang gương mặt khổ tâm, bất lực của các bà mẹ, người cha trước tổn thương của con cháu.

Giữa phòng triển lãm là một chiếc hộp vuông lớn dán hơn 1.000 bài báo. Đó là những vụ án ấu dâm trên báo chí trong năm 2016-2017.

“Nhưng tất cả chỉ là phần nổi nhỏ bé của một tảng băng chìm. Đầu năm 2016, những vụ án ấu dâm liên tiếp xảy ra khiến chúng tôi cảm thấy không thể đứng ngoài cuộc được, ngay lập tức gác lại tất cả các hoạt động, dồn sức để thực hiện một chiến dịch truyền thông phòng chống xâm hại tình dục với thông điệp: các bậc cha mẹ phải là người đầu tiên đứng lên bảo vệ con mình. Nếu chúng tôi đứng đây và kể câu chuyện đó sẽ không ai nghe. Thế nên chúng tôi đi tìm những người trong cuộc dám lên tiếng để họ phát đi thông điệp đó” – chị Cao Thị Diệu Hương, giám đốc OpenM, chia sẻ.

Giữa những bức ảnh đen trắng có một khung ảnh trắng trơn – đó chính là vô vàn những góc khuất, những câu chuyện chưa được biết tới của nạn ấu dâm. Chị Hương kể: “Đây là tháng thứ 7 tính từ khi chúng tôi bắt đầu thực hiện dự án. Dự kiến ban đầu sẽ là câu chuyện của 30 gia đình, nhưng suốt 4 tháng đầu tiên chúng tôi không nhận được sự đồng ý của bất cứ gia đình nào. Sau đó phải nhờ tới các luật sư, các nhà báo để kể được 7 câu chuyện”.

Câu chuyện của nạn nhân

Ngồi cùng những bậc cha mẹ đến dự tọa đàm “Save me – Cứu con với” trong khuôn khổ của triển lãm Voices out, T. – cô sinh viên 26 tuổi hiện đang theo học tại một học viện ở TP.HCM – kể về một tuổi thơ đầy ám ảnh khi là nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Tuổi thơ của T. không có cha mẹ, một mình đi qua nỗi đau và cuối cùng trở thành trẻ bụi đời vì không thể chịu đựng nổi nữa. “Tôi ở với ông bà nội. Lâu lâu ba có về, mẹ thì chưa từng về thăm. Từ 12 đến 14 tuổi, tôi bị người hàng xóm và cả ba ruột mình xâm hại. Tôi trở thành trẻ bụi đời. Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ mình phải đi thật xa” – T. nói.

Suốt những năm tháng học cấp II, T. không dám đi ngang nhà hàng xóm, phải vòng lên xóm trên rồi vòng ngược về trường. “Một nỗi sợ vô hình đeo bám dù người hại mình đã bỏ xứ do sợ tôi sẽ tố cáo. Nhưng tôi chỉ im lặng, lớn lên mới dám về gặp ông nội, hỏi ông rằng “ông nội có biết hồi đó con bị thằng đó xâm hại không?”.

Một mình sống lang bạt, tôi làm đủ nghề để kiếm sống và tiếp tục đi học. Giờ tôi là sinh viên đại học, tôi quyết tâm học đại học để tìm công lý cho những nạn nhân như tôi”.

Trong suốt hành trình của dự án, có một cô gái, một nạn nhân khác đồng hành cùng OpenM ghi lại câu chuyện của 7 gia đình.

 “Tôi cũng là một nạn nhân bị xâm hại khi tôi 3 tuổi. 27 năm trôi qua, tôi cố gắng sống tốt, làm tốt, sống có ích cho xã hội. Nhưng khi gặp lại câu chuyện nào đó giống mình, tôi không thể kiểm soát được cảm xúc” – cô nói.

Cô nói kể lại câu chuyện lúc 3 tuổi, người ta sẽ nghi ngờ mình có nhớ hay không. Nhưng cảm giác, hồi ức sẽ tái đi tái lại khi đối diện với thông tin, một vấn đề gì đó liên quan đến nó. Cô phải ôm đầu đau đớn nhiều ngày khi cảm giác đó quay lại nhưng vẫn không thể nào diễn tả được bằng lời.

7-nguyenyenthao-7(read-only)

Chị Nguyễn Yên Thảo – chi hội trưởng Chi hội tâm lý giáo dục Nhịp cầu hạnh phúc – phát biểu tại tọa đàm “Save me – Cứu con với” 

“Nhưng tôi nghĩ mình may mắn khi vẫn còn ở đây nghĩ những điều tích cực, làm những điều có ích cho xã hội. Các câu chuyện như thế này, nỗi đau như thế này, mọi người đừng nghĩ đá chưa ném trúng đầu thì sẽ không đau. Nếu mọi người thực lòng quan tâm đến các con, thật lòng mong những điều tốt đẹp đến với con em mình và những đứa trẻ xung quanh, hãy cùng hành động để bảo vệ chúng” – cô nói.

Đứng dậy ôm chặt một “người sống sót”, chị Nguyễn Yên Thảo – chi hội trưởng Chi hội tâm lý giáo dục Nhịp cầu hạnh phúc (OBV), nơi đang chăm sóc, nuôi dạy hơn 20 trẻ là nạn nhân bị xâm hại – cho biết hành trình sống sót của nạn nhân là một hành trình dài của sự nỗ lực và dũng cảm. Theo chị, hơn 20 trẻ ở mái nhà OBV là nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục thương tâm, chịu thương tổn khủng khiếp.

Ở mái nhà OBV, mọi người sẽ không bao giờ nhắc về câu chuyện của các em, kể cả chị Thảo.

“Khi đọc bản án, lời khai, tôi không thể nào tưởng tượng được nó chi tiết đến mức độ như vậy, khủng khiếp đến mức độ như vậy. Quan trọng nhất là trẻ được ổn định tâm lý ngay thời điểm đó và được cách ly ngay khỏi môi trường đang rất nguy hiểm. Đến một lúc nào các bé cảm thấy đủ tin thì mình sẽ lắng nghe, mình sẽ chia sẻ” – chị Thảo tâm sự.

Với chị, những câu chuyện trong gia đình OBV “rất đau lòng, rất thương tâm”. Trong 20 bé, có tới 99% là ở các tỉnh xa xôi và hơn một nửa bị chính người thân của mình xâm hại. Có những nạn nhân sau nhiều năm ổn định tâm lý và được trả về nhà, em lại tiếp tục bị xâm hại bởi chính người đã đi tù 6 năm.

Mạnh mẽ lên tiếng chống nạn ấu dâm - Ảnh 4.

Bức ảnh lá thư tuyệt vọng của một cô bé 11 tuổi là nạn nhân của nạn ấu dâm được trưng bày tại triển lãm Voices out 

Không ai có quyền im lặng

Cách đây hơn 1 năm, đường dây nóng bảo vệ trẻ em 18001567 nhận bảo vệ một nạn nhân là bé gái ở Hòa Bình. Ký ức kinh khủng của vụ việc hằn in trong tâm trí bé gái kể cả khi thủ phạm đã bị bắt. “Cháu bé luôn bị hoảng loạn, hay mơ ngủ, gào thét trong đêm, cháu hay xấu hổ và không dám đi học. Chúng tôi phải chuyển cháu về ngôi nhà bình yên một thời gian. Sau đó là điều trị tâm lý cho cháu hai lần mỗi tuần trong một thời gian dài” – đại diện đường dây cho hay.

Ký ức của các nạn nhân của tệ nạn ấu dâm khiến nhiều trẻ em bị phá hủy tương lai, đây là điều khiến các nhà hoạt động xã hội luôn mong muốn những người biết chuyện, người chứng kiến vụ việc không im lặng và không xuê xoa khi xử lý vụ việc.

“Đầu năm 2017 khi toàn xã hội lên tiếng về vụ ấu dâm ở Hoàng Mai, Hà Nội, vụ ở Vũng Tàu, ở Ba Vì… thì tất cả các vụ việc này đều đang trong trạng thái bùng nhùng chưa được xử lý tận gốc, nhưng cho đến nay thì các vụ ấu dâm nổi cộm nhất đều có cơ quan pháp luật vào cuộc, nhận thức của xã hội cũng thay đổi, nhiều người mẹ người cha sẵn sàng tố cáo thay vì im lặng” – bà Khuất Thu Hồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cho biết.

Bà Hồng cũng cho rằng thống kê về số vụ ấu dâm xảy ra hằng năm còn thấp hơn so với thực tế, không ít vụ còn bị chìm trong bóng tối vì sự e ngại, sợ có điều tiếng với con mình. “Nếu muốn xử lý mạnh mẽ hơn các thủ phạm ấu dâm thì cần phải giúp các bậc cha mẹ, các cấp chính quyền địa phương hiểu rằng người dân có quyền lên tiếng, quyền tố cáo. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và cần bị xử lý, không ai có quyền im lặng” – bà Hồng nói.

Để giảm bớt tệ nạn ấu dâm, bà Hồng cho rằng chính quyền các cấp có trách nhiệm thực thi luật pháp, đưa thủ phạm ra ánh sáng, không xuê xoa, hòa giải. Với các bậc cha mẹ, cần cung cấp kiến thức để biết các trình tự khiếu nại. Đặc biệt với cơ quan thực thi luật pháp, bà Hồng đề nghị cần thay đổi về cách lấy lời khai các bên để giảm tối đa tổn thương tinh thần cho trẻ em là nạn nhân ấu dâm.

Ai bảo vệ trẻ?

ts-vu-thien-toan-1-3(read-only)

Tiến sĩ Vũ Thiện Toàn 

Tiến sĩ tâm lý học xã hội Vũ Thiện Toàn, Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam, người tiếp nhận hỗ trợ rất nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục, cho biết Việt Nam hiện có 17 cơ quan bảo vệ trẻ “nhưng mọi người không biết đơn vị nào”.

Theo ông Toàn, thẩm quyền là giao cho chủ tịch UBND cấp phường xã, các đơn vị khác chỉ hỗ trợ. “Ông chủ tịch xã quyết định cuối cùng, phải có biện pháp can thiệp bảo vệ trẻ trong vòng 12 tiếng sau khi nhận được thông tin, ra quyết định cách ly trẻ với gia đình nếu nghi phạm là người thân, tước quyền của bố mẹ” – ông nói.

Hiện TS Toàn đang xây dựng chương trình truyền thông về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em ở các tỉnh thành với nguyên tắc 2-3-5: 2 phần cho cán bộ ủy ban, 3 phần cho học sinh, 5 phần cho phụ huynh với quan điểm “sự quan tâm của người lớn, đặc biệt là phụ huynh, mới là chìa khóa bảo vệ các em”. TS Toàn cho biết kênh tiếp nhận nhanh nhất các phản ảnh liên quan tới xâm hại tình dục là tổng đài quốc gia 111 về bảo vệ trẻ em.

“Phát hiện thì gọi trực tiếp, tổng đài sẽ gọi thẳng đến địa phương. Tổng đài này kết nối cả ba cấp gồm tỉnh, huyện, xã phường. Chủ tịch UBND của cả ba cấp biết thông tin sẽ phải vào cuộc ngay để báo cáo lại cho tổng đài quốc gia” – TS Toàn nói.

Dạy trẻ thế nào?

9--ts-linh-trang-(read-only)

Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang 

Đầu tiên dạy con nhận diện cảm xúc của bản thân và phải tôn trọng cảm xúc của con. Nếu tiếp xúc với một người nào đó con bảo con không thích, con không vui, hoặc là con cảm

thấy bất an, con bảo “mẹ ơi con sợ” nghĩa là con đang gọi tên cảm xúc.

Đó là chia sẻ của thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền – giảng viên khoa khoa học giáo dục Đại học Sư phạm TP.HCM, trưởng nhóm của tổ chức thiện nguyện Sách và trẻ thơ thực hiện các chương trình giáo dục cho trẻ em. “Nếu con nói “con sợ chú đó, con không thích đến gần chú đó” thì đừng bảo “chú đó có gì đâu mà sợ”. Nếu cảm giác không an toàn đó hiện hữu thì bố mẹ phải tôn trọng nó” – chị Huyền nói.

Theo chị Huyền, việc giáo dục phòng chống xâm hại tình dục phải diễn ra từ rất sớm, khi trẻ bắt đầu nhận thức, tuần tự từng bước một, nếu “đùng cái nói xâm hại tình dục thì trẻ sẽ hoang mang, khó xử”. Dạy trẻ từ nhận diện cảm xúc tích cực, tiêu cực đến tình huống an toàn, tình huống không an toàn, tiếp đó là đụng chạm an toàn, đụng chạm không an toàn. An toàn là khiến con cảm thấy thoải mái, không khiến con đau, sợ.

“Có trường hợp ông nội cởi trần ôm con, con nói ông nội là dê xồm. Lúc này chúng ta cần dạy trẻ cách thiết lập mối quan hệ với những người xung quanh, biết người nào đáng tin cậy, người nào không đáng tin cậy” – chị Huyền phân tích.

Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang – trưởng khoa đại cương Học viện Cán bộ TP.HCM – cũng thực hiện một chương trình miễn phí hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học tại TP.HCM từ năm 2014 đến nay. Chị kể khi chị liên lạc với một hiệu trưởng ở Củ Chi giới thiệu về chương trình và xin đến dạy thì bị từ chối với lý do: “Con nít con nôi, biết cái gì ba cái này mà dạy nó”.

“Không phải một trường, mà nhiều trường như vậy. Thậm chí một trưởng chi nhánh của một ngân hàng tư nhân mời tôi đến dạy cho nhân viên nhưng dè dặt đề nghị bỏ chữ “tình dục” trên backdrop, chỉ để hướng dẫn dạy con phòng chống xâm hại” – chị Linh Trang kể.

Theo chị, trước khi hướng dẫn phụ huynh kỹ năng về phòng chống xâm hại tình dục cho con trẻ, chị luôn nói về vấn đề giới tính, tình dục của con để họ nhận thức rõ vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của con.

Tiến sĩ Linh Trang cũng lưu ý đến một con số thống kê: “Cứ 7 vụ xâm hại tình dục thì có 1 vụ ở trường học, do trẻ vị thành niên gây ra”. Theo chị, cần dạy cho đứa trẻ để chúng không là nạn nhân và cũng không là hung thủ.

“Tôi nghe nhiều câu chuyện về những thủ phạm còn rất trẻ, khi cán bộ điều tra hỏi cung thì khóc lóc nói “nó dụ con”. “Nó” là những cô bé 13-14 tuổi có nhu cầu tình dục sớm. Có trẻ bị xâm hại không cho rằng mình bị xâm hại, thậm chí còn yêu thích, nghiện cảm xúc đó”.

Theo chị Linh Trang, con trai nguy cơ bị hiếp dâm ít hơn nhưng lại có nguy cơ bị lôi kéo tham gia hành vi xâm hại tình dục. “Tôi luôn khuyến cáo với các cháu trai là luật pháp sẽ xử như thế nào trong trường hợp các cháu phạm tội. Các

phụ huynh cũng cần dựa vào đó chia sẻ với con trai mình” – chị Trang nói.

Luật còn quá nhiều vướng mắc

6-ls-tra-duy-linh-3(read-only)

Luật sư Trà Duy Linh 

Luật sư Trà Duy Linh – Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang, người tư vấn, hỗ trợ pháp lý, gửi đơn tố cáo và thư kêu cứu Thủ tướng đối với trường hợp bé N. bị xâm hại tình dục lúc 13 tuổi và có thai 39 tuần.

Theo ông, luật pháp quy định rất kỹ, dự trù những tình huống pháp lý, hướng hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân bị xâm hại tình dục nhưng “khi áp dụng vào thực tế thì nó giống như trên trời dưới đất, không gặp nhau”.

Cụ thể, nghị định 56/2017 hướng dẫn Luật trẻ em có quy định trong 12 giờ kể từ khi nhận được trình báo về hành vi xâm hại, chủ tịch UBND phường phải có biện pháp hỗ trợ, trường hợp cần thiết phải ra quyết định cách ly. Tuy nhiên, trường hợp bé N., luật sư tuần tự liên hệ từ cấp phường, thị trấn, TP, thậm chí đăng ký với điều tra viên đề nghị khởi tố vụ án nhưng “người ta không làm, tôi phải nhờ báo chí can thiệp”.

Cuối cùng vị luật sư này phải làm đơn cho mẹ bé gửi bộ trưởng Bộ Công an, gửi Thủ tướng. Chỉ đến khi có chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ, Công an Tiền Giang mới thụ lý.

Tuy nhiên, vụ án đến nay vẫn phải chờ bởi khi lấy lời khai, đứa trẻ khai có thể trước đó có quan hệ với người khác. Cơ quan chức năng lại chần chừ, yêu cầu chờ sinh xong để xét nghiệm ADN mới tiến hành khởi tố.

“Cái lạ là nếu trường hợp cái thai mới ở tháng thứ 2, chờ 7 tháng sinh ra để xét nghiệm ADN thì sẽ vi phạm luật tố tụng về thời hạn” – luật sư nói.

Tiến sĩ Vũ Thiện Toàn lý giải thêm: Luật trẻ em có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 nhưng chưa có hướng dẫn nên các đơn vị không thực hiện. Sau khi nghị định hướng dẫn được ban hành “thì các địa phương lại gãi đầu chưa tập huấn”. Lại tiếp tục chờ trung ương tập huấn cho tỉnh, tỉnh tập huấn cho huyện, xã.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ấu dâmtình dụctre vi thanh nientrẻ Việt Namxâm hại

Các tin liên quan đến bài viết