Từng bị nói là điên khi ngày này qua tháng nọ dạy học miễn phí cho trẻ em vùng vạn đò, cô Hạnh chia sẻ sẽ tiếp tục công việc này đến khi nào sức khỏe không còn cho phép.

Cô giáo già từng bị cho là điên, 42 năm thầm lặng "chở chữ" cho con em vùng vạn đò xứ Huế

Dành cả tuổi thanh xuân cho con em vạn đò

Mỗi tối, những bài học đánh vần và cả tiếng gõ bảng của cô giáoBạch Thị Ngọc Hạnh (60 tuổi) đều đặn vang lên trong nhà văn hóa cộng đồng số 2 đường Nguyễn Phúc Lan, phường Kim Long, TP. Huế.

Cô giáo già từng bị cho là điên, 42 năm thầm lặng chở chữ cho con em vùng vạn đò xứ Huế - Ảnh 1.

Chân dung “người lái đò thầm lặng” đưa các em nhỏ vạn đò “qua sông”.

Năm 1975, cô Hạnh cùng bộ đội dạy học cho người dân theo phong trào “bình dân học vụ” lúc vừa tròn 18 tuổi. Lớp học vào ban đêm ở khu vực bến Me.

Khi khu vực Bến Me bị giải tỏa lên vùng Kim Long, cô cùng người dân lên mảnh đất này để an cư lạc nghiệp. Những tưởng sẽ bắt đầu một cuộc sống với công việc mới, thế nhưng khi chứng kiến cảnh khốn khó của người dân và con em vì nghèo mà không thể đi học, cô mạnh dạn mở lớp dạy học.

Vào những ngày đầu, lớp học chỉ có vỏn vẹn vài em. Cô Hạnh đến từng nhà vận động hơn một tháng liền. Nhiều hộ thấy là xua đuổi nhưng cô vẫn kiên trì. Trời không phụ lòng người, một thời gian sau, lớp có 30 học sinh.

Trong căn phòng chật chội của nhà kho hợp tác xã, dưới ngọn đèn dầu leo lét hằng đêm, cô cần mẫn dạy từng con chữ.

Cô giáo già từng bị cho là điên, 42 năm thầm lặng chở chữ cho con em vùng vạn đò xứ Huế - Ảnh 2.

Ngoài dạy chữ cho các em, cô còn dạy hát, kể chuyện cho các em nghe.

Dành cả tuổi thanh xuân để dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo vùng vạn đò, người con gái Huế những năm ấy từng nghĩ sẽ lặng lẽ ở vậy suốt đời, không bàn đến hạnh phúc riêng tư.

Năm 1984, lúc cô tròn 31 tuổi, một anh thanh niên nghèo sống trên vùng sông nước nhỏ hơn 6 tuổi vì cảm mến nên đã đem lòng yêu thương cô. Anh kiên quyết lấy cô làm vợ bất chấp sự phản đối từ hai bên gia đình.

Tình yêu chân thành đã giúp họ vượt lên tất cả. Họ được đồng ý cho tổ chức đám cưới. Chính anh là người luôn ủng hộ, động viên cô trong công việc “chở chữ” cho dân vạn đò.

Sau hơn 32 năm dạy học tự nguyện và miễn phí, vào khoảng năm 2007, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định nhận trả lương cho cô Hạnh. Cô chính thức được nhận lương cho mỗi giờ dạy là 15.000 đồng.

Những điều chưa kể của cô giáo 42 năm thầm lặng “đưa đò”

Khi bắt đầu công việc dạy học miễn phí, cô từng bị nhiều người nói là điên. Họ bảo “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Lúc đầu, có chút chạnh lòng nhưng khi đến lớp nhìn thấy những khuôn mặt hồn nhiên, cô bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực, tự nhủ chỉ cần hạnh phúc với việc mình làm, tương lai các em tốt hơn thì sẽ theo đến cùng.

Cô giáo già từng bị cho là điên, 42 năm thầm lặng chở chữ cho con em vùng vạn đò xứ Huế - Ảnh 3.

Vì tương lai của đám trẻ vạn đò, cô quyết tâm giữ lớp.

Dạy trẻ em vùng vạn đò hay các trẻ em đặc biệt mỗi người giáo viên phải nắm được đặc điểm tâm lý riêng để có thể hiểu các em, từ đó mới có phương pháp dạy học hiệu quả.

Cô giáo già từng bị cho là điên, 42 năm thầm lặng chở chữ cho con em vùng vạn đò xứ Huế - Ảnh 4.

Cô như là người bà, người mẹ, người bạn đối với các em.

Theo cô Hạnh, trẻ em nơi đây có tính thật thà, thẳng thắn và tự trọng. Nếu các em gặp phải lời phê bình nặng nề hoặc kết quả học tập thua kém sẽ dễ xa lánh thầy cô giáo thậm chí bỏ học.

“Có học sinh trước đây đã đi học lớp 3 ở một trường tiểu học khác sau đó vì gia đình mới chuyển tới đây nên xin vào. Em có nguyện vọng học tiếp chương trình nên tôi cho học lớp 3.

Những em học sinh còn lại nhao nhao rằng mới vào học mà cô cho học lớp 3, lẽ ra phải lớp 1. Rồi các em nói: “Bạn đó sạch sẽ nên cô bênh vực bạn đó phải không?”. Các em rủ nhau nghỉ học nguyên 1 tuần. Tôi vẫn ra lớp chỉ để dạy mỗi em mới.

Sau tuần đầu, một em khác đi học với thái độ lầm lầm lì lì không nói gì. Dần dần, các em kéo nhau đi học lại và phải đến một tháng sau lớp mới đông đủ như ban đầu.

Trong buổi học hôm ấy, tôi hỏi nhẹ nhàng: “Lâu nay vì sao các em không đi học, cô buồn ghê quá. Cô không biết sai điều gì cả, các em nói ra cô mới biết mà sửa chứ?”

Các em trả lời rằng vì cô bênh bạn đó, mới vào mà cô cho học lớp 3. Tôi ân cần, nhỏ nhẹ nói với các em:

“Vì bạn đã học lớp 3 rồi, giờ cô cho học lớp 1 thì tội, với lại có những em nhỏ hơn, bạn Sành học lớp 3 mới chỉ dạy được chứ? Cái này là cô sai hay là các em sai? Sau đó các em đều nhận sai và xin lỗi.”

Thấy cô Hạnh miệt mài dạy miễn phí mấy chục năm, nhiều người tỏ ra nghi ngờ. Họ cho rằng có gì đó nên cô mới theo lâu như vậy.

Một số người đưa vợ đến xin dạy học. Dạy được một thời gian ngắn, họ mon men hỏi chuyện lương bổng.

“Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ có người tiếp bước việc làm của mình nên vui lắm. Nhưng sau thấy vậy thì cũng có chút buồn. Tôi nhắn với các cô rằng mình dạy cái tâm thiện nguyện là chính, phải thương đám trẻ thật thì mới theo được. Rồi bữa nay trung tâm phụ cấp mười mấy nghìn đồng một giờ, ngoài ra không có gì cả. Mấy hôm sau, các cô nghỉ dần”.

Cô giáo già từng bị cho là điên, 42 năm thầm lặng chở chữ cho con em vùng vạn đò xứ Huế - Ảnh 5.

Nhận được sự yêu thương, trân quý từ học trò, đó là niềm hạnh phúc đối với cô.

Suốt 42 năm tự nguyện đến nay tính ra “người lái đò thầm lặng” đã dìu dắt được gần 1000 học sinh “qua sông”.

Chính vì những nỗ lực và cái tâm thiện nguyện, cô Hạnh nhận được nhiều sự tin yêu của người dân quanh vùng. Các bậc cha mẹ, các em học sinh nhiều thế hệ luôn nhớ đến ân tình bao năm dạy học miễn phí của cô giáo Hạnh.

Nhiều người dân ở vùng vạn đò Kim Long xem cô như người sinh con họ lần thứ 2. Họ báo đáp bằng những lời thăm hỏi, cái nhìn trìu mến và món quà là con cá, con tôm vừa đánh bắt được.

Gắn bó với “lớp học ấm áp” này hơn 22 năm, bây giờ đã 60 tuổi nhưng với cái tâm, cái tình, cô không cho mình dừng lại.

“Tôi sẽ tiếp tục công việc này đến khi nào sức khỏe không còn cho phép”, cô Hạnh chia sẻ.

Theo Trí Thức Trẻ

Từ khóa : cô giáodạy họcdạy học miễn phí

Các tin liên quan đến bài viết