Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh truyền thông về “Phòng chống kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam năm 2016”. Tại buổi lễ, WHO xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới nên Bộ Y tế đã kêu gọi tất cả cán bộ y tế, người dân cùng cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.
Theo WHO, ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc với mức độ kháng ngày càng gia tăng, đặc biệt loại vi khuẩn biến đổi gen đa kháng thế hệ mới. Theo thống kê của WHO, tỷ lệ tử vong do kháng thuốc chiếm 30-39%, nếu gặp vi khuẩn siêu kháng thuốc thì tỷ lệ tử vong là 99%. Các nhà chuyên môn cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới kháng thuốc kháng sinh (lờn thuốc), trong đó sự chủ quan và thiếu hiểu biết của người dân là nguyên nhân chính. Bởi ai cũng biết thuốc kháng sinh vô cùng quan trọng không chỉ trong điều trị, chăm sóc người bệnh mà còn được sử dụng để điều trị, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi và trồng trọt. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức, thiếu kiểm soát đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bệnh vì làm giảm hoặc mất tác dụng của các phương pháp điều trị kinh điển và có nguy cơ tử vong cao… Theo WHO, thuốc kháng sinh ngày nay đã xâm nhập vào cơ thể con người qua chuỗi thức ăn và môi trường sống. Nhiều chủ trại chăn nuôi heo, gà ở Bình Phước cho hay, khi vật nuôi bị bệnh, bác sĩ thú y khuyến cáo chỉ nên tiêm một liều kháng sinh. Thế nhưng, chủ trại đã tăng gấp đôi lượng kháng sinh để vật nuôi nhanh lành bệnh. Hậu quả, lượng kháng sinh dư thừa tích lũy lại và tạo điều kiện cho các vi khuẩn kháng thuốc, kháng bệnh xuất hiện. Khi vật nuôi này làm thực phẩm con người ăn vào sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn kháng bệnh vào cơ thể. Hoặc người bệnh không được hướng dẫn sử dụng kháng sinh hợp lý do trình độ của cán bộ y tế còn hạn chế dẫn đến kháng thuốc. Bên cạnh đó, việc các đại lý thuốc tây bán thuốc kháng sinh tràn lan (hơn 88% người bệnh ở thành thị và 91% ở nông thôn mua kháng sinh không có đơn) nhưng cơ quan chức năng không kiểm tra, giám sát đã làm tăng nguy cơ kháng thuốc…
Bình Phước là tỉnh vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn về cơ sở y tế, người dân thường có tâm lý e ngại đến bệnh viện khi bị bệnh mà chủ yếu tự chữa bằng cách mua thuốc kháng sinh về sử dụng. Hầu hết chủ tiệm thuốc tây ở Bình Phước đều kiêm luôn việc kê toa thuốc cho người mua. Còn bác sĩ thường có xu hướng tăng liều kháng sinh trong điều trị để bệnh nhân mau lành bệnh. Từ những hiểm họa của việc kháng thuốc, mỗi người dân chỉ nên mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và hướng dẫn. Người dân sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản khi thực sự cần thiết và phải theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Các cán bộ y tế tuân thủ đúng chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị để từng bước đẩy lùi việc kháng thuốc cho người bệnh.
Tấn Phong