Các thức uống có đường như trà, cà phê uống liền… được dùng ngày càng nhiều nhưng cũng gây băn khoăn có thể gây béo phì, hỏng răng… cho người sử dụng.
Khi cơ thể thừa đường và thiếu vận động nhiều thì đường ấy sẽ tích thành mỡ, tích mãi sẽ thừa cân béo phì
Bà Lê Bạch Mai (nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia)
Dùng thường xuyên loại thức uống này thế nào là hợp lý?
Dùng nhiều gián tiếp gây béo phì
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết cà phê uống liền (hay còn gọi là cà phê hòa tan) có 3 loại là cà phê đen, cà phê với đường, cà phê có đường và bột sữa (cream). Trong đó, loại cà phê có đường và bột sữa là nhiều năng lượng nhất.
Theo bác sĩ Ngọc Diệp, uống trà túi lọc với cà phê pha bình thường không đường thì năng lượng rất ít nhưng cà phê 3 trong 1 thì năng lượng nhiều hơn. Năng lượng trong gói cà phê uống liền 3 trong 1 từ đường và bột sữa.
Bên cạnh đó, người uống không cân đối chế độ ăn trong sinh hoạt hằng ngày có thể sẽ gây ra béo phì. Trà uống liền có đường cũng tương tự.
Tuy nhiên, không phải cứ uống cà phê uống liền 3 trong 1 mới có nhiều năng lượng mà ngay cả khi pha ly cà phê đen nhưng lại cho thêm nhiều đường, sữa thì ly cà phê pha cũng có nhiều năng lượng. Còn năng lượng của ly cà phê pha nhiều đến đâu còn tùy thuộc vào lượng đường và sữa mà người pha cho vào.
Lưu ý trà sữa chứa nhiều đường
Theo chuyên gia dinh dưỡng Trần Lan Hương, nhiều nước đã áp dụng biện pháp tăng thuế để điều tiết nhu cầu sử dụng đường, nhưng ở VN nên áp dụng theo từng nhóm mặt hàng. “Mặt hàng có đường và ảnh hưởng nhiều nhất đến cộng đồng hiện là nước ngọt, uống 1 lon nước ngọt là vượt lượng đường sử dụng cả ngày theo khuyến cáo của
Tổ chức Y tế thế giới là nữ dưới 6 thìa cà phê, nam dưới 8 thìa cà phê đường/ngày” – bà Hương nói.
Một mặt hàng nữa cũng nên áp dụng biện pháp điều tiết bằng thuế là trà sữa, do sản phẩm chứa nhiều đường và nguồn nguyên liệu dễ tiềm ẩn hóa chất.
Bà Hương cho biết đường có tính “gây nghiện”, khi càng dùng nhiều đường thì nhu cầu sử dụng lại càng tăng lên. Khi đó, đường sẽ chiếm chỗ trong dạ dày vốn là chỗ của các thực phẩm lành mạnh khác như rau, củ, quả… Dần dần nó sẽ gây bất ổn với đường huyết.
Đường cũng được coi là “thức ăn” của ba căn bệnh nguy hiểm hiện nay là tim mạch, tiểu đường và ung thư, vì nó tạo môi trường nuôi dưỡng tế bào ung thư, làm trầm trọng thêm nhiều chứng bệnh, trong đó có các chứng viêm, bệnh tim mạch và nuôi dưỡng vi khuẩn có hại trong đường ruột.
Vì vậy người ta mới coi đường là “cái chết trắng”.
Phải kiểm soát lượng đường
Bác sĩ Ngọc Diệp khuyến cáo tất cả mọi người đều phải chú ý đến năng lượng và các thành phần sinh năng lượng ở trà, cà phê uống liền. Với những người mắc bệnh đái tháo đường thì không nên uống loại trà, cà phê có đường mà nếu muốn sử dụng thì nên chọn những loại cà phê, trà uống liền không cho đường hoặc sử dụng loại đường dành cho người ăn kiêng.
Bác sĩ Ngọc Diệp nhấn mạnh không có một loại thực phẩm nào gây béo phì mà do cách ăn uống quá nhiều chất béo, nhiều năng lượng hằng ngày mới gây ra tình trạng béo phì.
Theo bác sĩ Lê Bạch Mai – nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bên cạnh việc kiểm soát lượng đường sử dụng, nên tăng cường các loại “đường” từ các thức ăn tự nhiên toàn phần (đường trong rau củ quả, tinh bột), hoặc nếu dùng đường thì sử dụng đường nâu, mật mía, mật ong… thay thế cho đường kính trắng.
Chuyên gia dinh dưỡng Trần Lan Hương cho biết: “Tại Mỹ, lượng đường sử dụng đã tăng ở mức khủng khiếp, tăng nhiều lần trong vòng 50 năm qua. Ở VN, số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho thấy lượng đường sử dụng gia tăng mạnh nếu so sánh với năm 1990, do trước đây chúng ta làm gì có nhiều bánh ngọt, bánh quy, nước ngọt, sữa có chứa đường… như hiện nay”.
Nguồn: tuoitre.vn