![]() |
10 trong số 13 đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông đã được nhập về Việt Nam. Ảnh: Giang Huy
|
Nhấn mạnh phải đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2018, Thứ trưởng Đông yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Tổng thầu Trung Quốc trong các khâu như lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, thông tin tín hiệu, đóng điện… và chủ động hướng dẫn Tổng thầu thực hiện, giám sát chứ không nói đó là việc của Tổng thầu. Nếu có vướng mắc, Ban cần báo cáo ngay với Bộ Giao thông để không làm mất thời gian.
Trong tháng 1, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo tình hình triển khai dự án với Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ chốt tiến độ.
Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, đến nay khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 95%. Do vướng mắc các thủ tục gia hạn vốn vay nên từ đầu năm đến hết tháng 9/2017, dự án chỉ giải ngân được hơn 10 triệu USD. Đây là nguyên nhân chậm tiến độ dự án trong năm nay. Hiện nay vướng mắc này cơ bản đã giải quyết xong, ngày 28/12, hiệp định vay vốn 250 triệu USD bắt đầu có hiệu lực.
Ban quản lý dự án cho biết đã yêu cầu Tổng thầu bố trí nhân lực, lập kế hoạch từng tuần, từng tháng và bố trí vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ; khẩn trương ký kết các hợp đồng còn lại với nhà thầu phụ. Ngoài ra, Ban quản lý yêu cầu Tổng thầu thay thế nhà thầu phụ yếu kém và kiến nghị Bộ Giao thông xếp hạng nhà thầu năng lực yếu nếu làm ảnh hưởng tiến độ dự án.
Theo tiến độ của Tổng thầu Trung Quốc, đầu tháng 9/2018 sẽ chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu trên toàn tuyến. Sau khi vận hành thử từ 3 đến 6 tháng, dự án sẽ khai thác thương mại.